Loay hoay bước qua “khủng hoảng hậu Hà Văn Thắm”,  Ocean Group “bán con”, đòi nợ

(Dân trí) - Sau thời gian dài loay hoay vượt qua khủng hoảng giai đoạn “hậu Hà Văn Thắm”, Ocean Group vừa thông qua nghị quyết thoái vốn tại một số công ty và lên phương án xử lý công nợ.

Trong phiên giao dịch sáng nay (18/9), cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vẫn cầm cự được tại mức tham chiếu 3.840 đồng bất chấp rung lắc diễn ra.

Loay hoay bước qua “khủng hoảng hậu Hà Văn Thắm”,  Ocean Group “bán con”, đòi nợ - 1

Ông Hà Văn Thắm và loạt lãnh đạo Ocean Group vướng vòng lao lý khiến doanh nghiệp này lao đao suốt một thời gian dài

Sau thời gian dài loay hoay vượt qua khủng hoảng giai đoạn “hậu Hà Văn Thắm”, Ocean Group vừa thông qua nghị quyết thoái vốn tại một số công ty và lên phương án xử lý công nợ.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Ocean Group đã thông qua chủ trương thoái vốn tại Công ty cổ phần Fafim Việt Nam; Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang; CTCP Đầu tư PVR Hà Nội. Được biết, Ocean Group nắm 51% tại Fafim Việt Nam; nắm 21% vốn (gần 127 tỷ đồng) BOT Hà Nội - Bắc Giang và đầu tư tài chính hơn 50 tỷ đồng vào cổ phiếu PVR.

Ocean Group cũng lên phương án xử lý công nợ liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà; Công ty cổ phần Đầu tư CIC.

Riêng khoản công nợ liên quan đến Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Ocean Group ghi nhận khoản đã trả trước cho công ty này gần 182 tỷ đồng ở 2 dự án Khách sạn StarCity Nha Trang, StarCity Westlake Hà Nội. Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn ở Đầu tư và Xây dựng Sông Đà 40 tỷ đồng và khoản cho vay khác gần 673 tỷ đồng.

Về thị trường chứng khoán, diễn biến giằng co trong phiên giao dịch sáng nay, các chỉ số chủ yếu dao động quanh ngưỡng tham chiếu. VN-Index tạm dừng giao dịch với mức giảm 1 điểm tương ứng 0,1% còn 995,74 điểm còn HNX-Index nhích nhẹ 0,01 điểm lên 102,24 điểm.

Số lượng mã tăng giảm tương đương nhau với 250 mã giảm giá, 18 mã giảm sàn so với 249 mã tăng và 26 mã tăng trần.

Theo đó, chỉ số giảm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số mã lớn. Chỉ riêng GAS đã khiến VN-Index mất 1,24 điểm, VIC, PLX, VJC, VHM cũng giảm giá và có tác động đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, VNM, HVN, CTG, MBB, VPB… tăng giá nhưng ảnh hưởng của những mã này không đáng kể.

Thanh khoản ở mức trung bình trên sàn HSX song lại xuống thấp tại sàn Hà Nội. HSX có 102,53 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.140,61 tỷ đồng trong khi con số này trên HNX là 9,97 triệu cổ phiếu tương ứng 145,44 tỷ đồng.

Nhận định về thị trường, các chuyên gia từ VCBS đưa ra đánh giá, lực cầu mạnh xuất hiện khi VN-Index rơi về vùng giá thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn duy trì sự lạc quan về thị trường, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang cho dấu hiệu hạ nhiệt.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, các đường trung bình động ngắn hạn tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho chỉ số trong những phiên tới.

Mặc dù vậy, với việc chỉ số đang tiệm cận ngưỡng kháng cự khá “cứng” là 1.000 điểm, nhà đầu tư đã giải ngân trong những phiên trước nên cân nhắc tạm thời quan sát trong một vài phiên sắp tới để chờ đợi diễn biến bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự này với sự củng cố của khối lượng giao dịch trước khi tiếp tục đưa ra quyết định giải ngân mới.

Mai Chi