1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Loạt "đại bàng" từ Trung Quốc tới Việt Nam, nhiều đại gia "hốt bạc"

Mai Chi

(Dân trí) - Một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn...

Cổ phiếu các công ty khu công nghiệp "bốc đầu"

Một thống kê của SSI Research trong báo cáo mới phát hành cho thấy, giá cổ phiếu của các công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) đang niêm yết đã tăng 69,7% so với cùng kỳ và tăng 159% từ mức đáy tháng 3, tăng cao hơn so với mức tăng của chỉ số VN-Index lần lượt là 14,9% và 67%.

Hầu hết các mã cổ phiếu KCN đều có mức tăng đáng kể trong năm 2020, đặc biệt là các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ. Trong số này, NTC của Công ty CP KCN Nam Tân Uyên có mức tăng cao nhất, tăng 174% so với cùng kỳ trong năm 2020 và tăng 222% so với mức đáy vào tháng 3.

Loạt đại bàng từ Trung Quốc tới Việt Nam, nhiều đại gia hốt bạc - 1

Giá cổ phiếu tăng mạnh do tăng trưởng lợi nhuận từ việc cho thuê đất tại các khu dịch vụ có giá cao. Yếu tố hỗ trợ tích cực khác là việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 110% trên mệnh giá.

Các cổ phiếu khác, bao gồm LHG, ITA, TIP, IDC và SZC tăng từ 87% -145% so với đầu năm. D2D là công ty có mức tăng thấp nhất trong ngành do doanh thu từ dự án Khu dân cư Lộc An giảm nhưng cũng đạt biên độ tới 20,6% so với đầu năm.

Theo chuyên gia SSI Research, kết quả khả quan của ngành BĐS KCN chủ yếu liên quan đến một số yếu tố chính: Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc.

Bên cạnh đó, diện tích đất cho thuê mới hạn chế tại các khu công nghiệp ở miền nam, đặc biệt là ở TPHCM, một số KCN vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.

Dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam, thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây.

Một khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Có một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn... Trong quý 1/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7 ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C.

Ở mặt khác, các chuyến bay quốc tế ra vào Việt Nam tạm thời bị đóng cửa đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và du lịch. Điều này đã gây ra khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ cho thuê các KCN.

Loạt đại bàng từ Trung Quốc tới Việt Nam, nhiều đại gia hốt bạc - 2

Giá thuê tại các KCN tăng mạnh

Theo quan sát của nhóm phân tích, giá thuê trung bình tăng mạnh so với dự báo của các công ty vào đầu năm 2020. Cụ thể, giá thuê các KCN tại khu vực phía nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đều tăng từ 15,3% đến 23% so với cùng kỳ trong năm 2020. Trong khi đó, giá thuê của các KCN ở miền bắc tăng từ 14% đến 18% so với cùng kỳ.

SSI Research cho rằng, giá thuê tại miền Nam tăng cao hơn so với miền Bắc là do tỷ lệ lấp đầy các KCN ở miền nam cao, đặc biệt là ở TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, với công suất từ 82% đến 90%. Hơn nữa, việc mở rộng diện tích cho thuê của các KCN ở miền nam đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.

Các công ty phát triển KCN niêm yết cũng có mức tăng đáng kể về giá thuê với mức tăng 35% so với cùng kỳ tại KCN Long Hậu 3 (Long An), 21% so với cùng kỳ tại KCN Bàu Bàng (Bình Dương), 31% so với cùng kỳ tại KCN Tân Phú Trung (TPHCM), 20% so với cùng kỳ tại KCN Sonadezi Châu Đức và 10% tại KCN Yên Phong mở rộng.

Trong năm 2021, ngoài yếu tố dịch chuyển như đã đề cập ở trên, SSI Research cho hay, doanh nghiệp phát triển KCN còn nhận được sự hỗ trợ từ quy hoạch KCN mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, có thể gia tăng diện tích đất khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt đối với các KCN lớn với tổng diện tích đất trên 1.000 ha đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Cơ sở hạ tầng cũng được mở rộng, nâng cấp cũng sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển KCN. Có thể kể đến loạt dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép - Thị Vải và Gemalink có thể giúp kết nối thuận tiện hơn với khu công nghiệp. Theo SSI Research, các KCN Châu Đức (SZC), Phú Mỹ (IDC), VSIP và Becamex có thể hưởng lợi từ xu hướng nêu trên.

Loạt đại bàng từ Trung Quốc tới Việt Nam, nhiều đại gia hốt bạc - 3

Thêm vào đó, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, thấp hơn khoảng 25-30% so với Indonesia và Thái Lan, là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Do vậy, giá đất KCN tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7-8% tại khu vực phía nam và 5-6% tại khu vực phía bắc trong năm 2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm