Loạt công ty gạo bị “siết nợ”, giá chào bán tài sản từ 30 tỷ đồng

Trong làn sóng rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo cũng bị ngân hàng phát mại tài sản để “siết nợ” lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trường hợp của CTCP Xuất Nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng là ví dụ. Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Xuất Nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng với giá khởi điểm 1.045 tỷ đồng.

Khoản nợ này được phát sinh từ tháng 1/2015 với tổng dư nợ gốc, lãi vay và phí đến 31/3/2020 là 990 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ bao gồm 10 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích từ 77m2 tới 8.342m2 tại TP Cần Thơ, 4 ô tô, 2 dây chuyền sản xuất gạo và hơn 20 ghe tải.

Được biết, CTCP Xuất Nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng được thành lập vào ngày 28/8/2007 do bà Hồng Thị Bích Tuyền là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Loạt công ty gạo bị “siết nợ”, giá chào bán tài sản từ 30 tỷ đồng - 1

Ngành nghề kinh doanh chính của Gạo Phụng Hoàng là mua bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm gạo. Tháng 2/2014, công ty được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo với thị trường chính là Trung Đông và châu Âu. Dù vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại liên tục suy giảm trong suốt 4 năm 2016-2019, trước khi bị BIDV phát mãi tài sản. Thậm chí báo lỗ 22,4 tỷ đồng trong năm 2019.

Gạo Phụng Hoàng thua lỗ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu ảm đạm. Xuất khẩu gạo sang Indonesia giảm gần 95% cả về lượng và kim ngạch; Bangladesh giảm 76% về lượng và giảm 79,4% về kim ngạch...

Bên cạnh BIDV, Vietcombank cũng rao bán hàng trăm nghìn m2 đất và dây chuyền sản xuất gạo tại An Giang.

Cụ thể, tài sản đảm bảo gồm có 52.850 m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, 64.430 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh, các tài sản gắn liền với đất như nhà ở công nhân, nhà kho, cylô chứa lúa, gạo, văn phòng làm việc... Bên cạnh đó, Vietcombank còn phát mại hệ thống nhà máy sản xuất gạo với công suất chế biến từ 90.000 - 170.000 tấn/năm.

Vietcombank cho biết, tài sản là quyền sử dụng đất được hình thành năm 2014, máy móc thiết bị được hình thành từ năm 2013 đến năm 2018. Loạt tài sản có giá khởi điểm hơn 220 tỷ đồng.

 

Loạt công ty gạo bị “siết nợ”, giá chào bán tài sản chỉ từ 30 tỷ đồng lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Ngoài ra, Vietcombank Châu Đốc cũng chào bán nhà xưởng của Công ty CP Sản xuất Thương mại NPV để thu hồi nợ. Tài sản thế chấp bao gồm đất sản xuất kinh doanh, đất ở, đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng cây lâu năm và nhà máy chế biến gạo tại ấp Bình Qưới 2, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Vietcombank cho biết khu nhà máy chế biến gạo này có diện tích hơn 13.900m2 với công suất 350 tấn thành phẩm/ngày. Giá khởi điểm được Vietcombank đưa ra là hơn 34 tỷ đồng.

MB cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của một kho lương thực có diện tích gần 3.800m2 tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Theo MB, đây là tài sản thế chấp cho khoản nợ của Công ty TNHH Nông Sản Ngân Phát và hiện tại công ty này không có khả năng trả nợ. MB chào giá khởi điểm cho lượng bất động sản trên là hơn 29 tỷ đồng.