Loại bỏ ngân hàng khỏi hệ thống tài chính?
(Dân trí) - Thay vào đó là một dạng trung gian tài chính mới kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay. Cuốn sách sắp xuất bản của Kotlikoff với từa đề “Jimmy Steward đã chết”, kêu gọi một cuộc tái cơ cấu nhanh gọn và sâu rộng đối với hệ thống tài chính.
“Không ai nhắc chính quyền rằng họ đang chữa ung thư bằng cách băng nó lại” - ông nói. Kotlikoff muốn loại trừ các họat động rủi ro khỏi ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại, quỹ đầu cơ và công ty bảo hiểm, biến chúng thành những trung gian tín dụng kiểu như quỹ hỗ tương.
Thay vì nhận tiền gửi rồi cho vay, ngân hàng sẽ kết nối người đi vay và người gửi tiền bằng những quỹ hỗ tương siêu an toàn dành riêng cho mục đích này.
Điều này sẽ giúp giải quyết được vấn đề ngân hàng không giữ đủ tiền mặt để trả người gửi nếu tất cả đều muốn rút tiền cùng một lúc, một cảnh đã được nhân vật George Bailey do Jimmy Stewart đóng trong It’s a Wonderful Life thể hiện một cách sống động (đầu đề cuốn sách của Kotlikoff cũng xuất phát từ đây).
Ý kiến của Kotlikoff nghe quá phi thực tế nhưng ông lại bắt đầu nhận được sự chú ý của nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế đầy quyền lực. Thống đốc BOE Mervyn King thúc giục các nghị sỹ nghiên cứu kế hoạch này.
Ở Mỹ, ý tưởng “ngân hàng với mục đích hạn chế” của Kolikoff được không ít người trong giới kinh tế, chính trị ủng hộ, từ nhà kinh tế hữu phái từng đoạt giải Nobel từ ĐH Chicago Robert Lucas tới người phái tả như Jeffrey Sachs từ ĐH Columbia.
Jimmy Stewart đã chết không phải chuyên môn của Kotlikoff vì ông nghiên cứu sâu về tài chính công. Theo kịch bản của Kotlikoff, ngân hàng sẽ bị tước chức năng chấp nhận rủi ro.
Nhiều tài khoản sẽ được tập hợp vào một tài khoản như một loại quỹ hỗ tương mới, tương tự như một quỹ hỗ tương đầu tư cổ phiếu nhưng tài sản đều ở dạng tiền mặt vì thế không có chuyện không thể thu hồi (cho dù vẫn có thể mất giá trị do lạm phát).
Do đó chẳng có lý do gì để đổ xô đến ngân hàng rút tiền. Quỹ hỗ tương làm nhiệm vụ cho vay. Kolitkoff cho rằng cho vay cũng có thể tiến hành theo cách tương tự: quỹ hỗ tương tập hợp tiền của nhà đầu tư và dùng chúng để cho vay.
Việc này có cái lợi là nếu một số người đi vay cụ thể có không trả tiền, cũng không có một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống đe dọa nền kinh tế toàn cầu theo kiểu nếu một ngân hàng sụp đổ sẽ kéo theo tất cả các ngân hàng khác.
Một ích lợi nữa là hơn 100 cơ quan giám sát sẽ bị giải thể vì các tập đoàn tài chính không còn đánh bạc bằng tiền của người khác nữa. Chúng sẽ được thay thế bằng một Cơ quan tài chính liên bang với chức năng chính là thẩm tra dữ liệu do người đi vay cung cấp, ví dụ như bản khai thu nhập hay giá trị của tài sản thế chấp.
Một số nhà kinh tế học tài chính lo ngại rằng Kotlikoff cũng bỏ mất luôn cả cái tốt của ngành ngân hàng.
“Thời còn cưỡi ngựa chúng ta không có vụ rơi máy bay nào, nhưng không có nghĩa rằng để tránh máy bay rơi thì nên quay lại dùng ngựa” - René Stulz từ Trường kinh doanh Fisher, ĐH Ohio, nói.
Anil Kashyap từ Trường kinh doanh Booth, ĐH Chicago cho rằng nhận tiền gửi và cho vay hỗ trợ lẫn nhau. “Băm nhỏ ngân hàng rồi giả định rằng làm thế được mà chẳng tiêu tốn chút giá trị nào là một đề xuất lý thuyết đáng nghi ngờ” - Kashyap nói.
Hiệp hội ngân hàng Mỹ đã từ chối nhiều yêu cầu phỏng vấn về kế hoạch của Kotlikoff. Cũng chẳng có ông nghị nào đứng về phía ý kiến này cả. Dù vậy, những kế hoạch tưởng chừng như bất khả lại đã từng trở thành hiện thực.
Minh Tuấn
Theo Businessweek