1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lo về chất lượng vàng

Cũng như các ngành nghề khác, ngành nữ trang - vàng bạc - đá quý sẽ gặp những thuận lợi và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia với mặt hàng nữ trang, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội.

Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) khẳng định, khi WTO mở cửa đón chào Việt Nam thì cũng chính là lúc thị trường nữ trang - vàng bạc - đá quý trong nước phải chống chọi với hàng loạt khó khăn.

Hiện nay, hàng nữ trang ngoài khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam vẫn bị áp thuế 40%, nhưng khi Việt Nam gia nhập WTO, mức thuế này sẽ giảm dần, gây áp lực lên hàng sản xuất trong nước.

Hàng ngoại sẽ tràn vào, với nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới lạ, hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi đó, xu hướng chung là phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi 40 trở lên thường thích dùng hàng ngoại nhập hơn hàng nội địa. Vì thế, hàng nội càng khó cạnh tranh với hàng ngoại.

Để đối phó với những khó khăn này, SJC dự kiến trong tháng 12 tới sẽ đưa thêm một xưởng nữ trang vào vận hành. Khi xưởng nữ trang này đi vào hoạt động, SJC sẽ có nhiều điều kiện nâng cao kỹ thuật, mẫu mã… để thu hút khách hàng.

Nhưng có lẽ, trong hàng loạt công ty kinh doanh vàng bạc - đá quý hiện nay, không phải công ty nào cũng “nhanh chân” như SJC để sẵn sàng cạnh tranh.

Khó khăn đối với ngành nữ trang càng trở nên gấp bội, khi chất lượng nữ trang Việt Nam đang bị coi là kém, không thống nhất, nhập nhèm về tiêu chuẩn.

Thừa nhận thực trạng nhức nhối này, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TPHCM (SJA), ông Nguyễn Hữu Thuận cho rằng, nhiều doanh nghiệp sản xuất nữ trang đã gian lận tuổi vàng. Có loại nữ trang được doanh nghiệp đóng dấu 18k (dao động ở mức 75%, 73%, 70%), nhưng thực chất tuổi vàng chỉ đạt 68%, thậm chí chỉ 51%.

Trên thực tế, vấn đề chất lượng và việc quản lý chất lượng vàng nữ trang đã gây đau đầu cho không ít cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian qua. Và chắc chắn, vấn đề này càng bức xúc hơn khi Việt Nam hội nhập, sản phẩm ngoại chất lượng chuẩn tràn vào thị trường nội địa.

Theo thông lệ quốc tế, vàng nữ trang là loại hàng hóa không thuộc phạm trù quản lý ngoại hối. Doanh nghiệp chỉ phải đăng ký và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đã đăng ký.

Sự thông thoáng này khiến những đơn vị chân chính bị thiệt thòi trong cạnh tranh, còn các cơ sở sản xuất gian lận được hưởng lợi mà không hề bị xử phạt. Trong khi, người tiêu dùng khi mua sản phẩm vàng chỉ chú ý đến mẫu mã đẹp, giá rẻ, mà ít quan tâm đến tuổi vàng và quá tin tưởng vào người bán. Từ đó, vô hình trung dẫn đến việc thả nổi trong cạnh tranh về chất lượng, giá cả, khiến thị trường nữ trang ngày càng khó kiểm soát.

Chính vì thế, theo ông Thuận, việc thống nhất tiêu chuẩn chất lượng vàng nữ trang được xem là tất yếu khách quan để các doanh nghiệp vừa tự bảo vệ mình, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nếu doanh nghiệp không thống nhất chất lượng, hàm lượng vàng, e rằng, rất khó khăn để thắng cuộc trên sân chơi bình đẳng.

Để làm được điều này, ông Thuận cho rằng, phải có sự đồng thuận cao, từ nhà sản xuất, kinh doanh đến cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng.

Theo Thùy Vinh
Báo Đầu tư