Lộ trình nghề nghiệp - chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Lộ trình nghề nghiệp" là chủ đề luôn được người lao động quan tâm bởi đó không chỉ thể hiện cho khát vọng, tiềm năng của mỗi cá nhân mà còn là yếu tố tạo ra sự hài lòng trong công việc và tăng cường tính gắn bó của người lao động với doanh nghiệp.

"Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp" luôn được xem là bài toán khó và là "nỗi trăn trở" của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các tổ chức quy mô lớn.

Nguồn nhân lực - yếu tố tạo nên sự khác biệt của các ngân hàng

Nguồn nhân lực luôn được coi là "tài sản" quan trọng nhất của doanh nghiệp vì những giá trị mà nguồn nhân lực mang lại là rất lớn, không bị giới hạn như các nguồn lực khác vì có khả năng tạo ra hiệu quả khác biệt làm động lực phát triển cho các ngân hàng như: Định hướng và triển khai xuất sắc chiến lược kinh doanh, quản trị hiệu quả, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích và đổi mới không ngừng… Hơn thế nữa, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực còn cho phép các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào, chi phí quản lý, nâng cao năng suất lao động…, từ đó trực tiếp nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như hiệu quả của công tác quản trị điều hành của tổ chức.

Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ngân hàng đã và đang tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực nội bộ với chiến lược quy hoạch nhân sự dài hạn và lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Điển hình như tại ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Giám đốc Nhân sự nhà băng này - ông Nguyễn Ngọc Cương chia sẻ: "MSB đặc biệt chú trọng vào công tác xây dựng các chương trình quy hoạch và luân chuyển cán bộ với định hướng phát triển đội ngũ nhân sự tài năng, có tầm nhìn, có khát vọng vươn tầm sự nghiệp cùng ngân hàng. Tại MSB chúng tôi phát triển nguồn nhân lực dựa trên 03 trụ cột chính là: (1)Đào tạo trọng điểm, (2) Đồng hành và cam kết là đối tác phát triển sự nghiệp của CBNV, (3)Xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng của MSB".

Lộ trình nghề nghiệp - chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp - 1
Ông Nguyễn Ngọc Cương - Giám đốc nhân sự MSB

Lộ trình nghề nghiệp - Yếu tố tiên quyết trong chiến lược hoạch định phát triển nhân sự dài hạn

Nếu Lộ trình nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quyết định gắn bó lâu dài của CBNV đối với một tổ chức thì đây cũng là một chính sách thể hiện sự đồng hành của tổ chức, doanh nghiệp đối với mỗi CBNV. Không chỉ quan tâm đến mục tiêu phát triển sự nghiệp cá nhân của mỗi CBNV, mà mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần tạo được sự thống nhất và gắn kết những mục tiêu cá nhân đó với định hướng, chiến lược chung của hệ thống, nhằm khuyến khích mỗi CBNV theo đuổi các mục tiêu cá nhân trong khi vẫn tham gia đóng góp những giá trị tích cực cho tổ chức. Hay nói cách khác, sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân cũng chính là động lực to lớn để thúc đẩy phát triển của tổ chức.

Cần phải khẳng định rằng, xây dựng đội ngũ kế cận là một chiến lược nhân sự then chốt đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Trong đó, lộ trình phát triển nghề nghiệp, và điển hình là công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, chính là chìa khóa quan trọng giúp tổ chức xây dựng và hoạch định được nguồn nhân lực chất lượng cao và có tính kế thừa trong dài hạn. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các Ngân hàng. Tiêu biểu, tại MSB, hoạt động quy hoạch và luân chuyển cán bộ luôn được chú trọng và đẩy mạnh để mở rộng phạm vi, tính chất công việc và gia tăng trải nghiệm thực tế tại nhiều mảng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự. Chính sách này đã mang đến nhiều kết quả tích cực cho MSB khi hầu hết nhân sự chủ chốt và cán bộ quản lý cấp trung của nhà băng này đều được phát triển từ nguồn lực nội bộ, mà ít phải dựa vào việc tìm kiếm từ bên ngoài. Như vậy xét về góc độ lợi ích của ngân hàng, thì lộ trình nghề nghiệp thực sự là kim chỉ nam đối với chương trình phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài.

Đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển lộ trình nghề nghiệp

Đầu tư vào đào tạo nhằm giữ chân và phát triển nguồn nhân lực nội bộ thay vì tuyển dụng từ bên ngoài là xu hướng nổi bật và hiệu quả tại tất cả các tổ chức hiện nay. Theo số liệu thống kê nội bộ từ MSB, trong năm 2020, ngân hàng này đã triển khai gần 850 khóa đào tạo nghiệp vụ do hơn 200 giảng viên nội bộ đảm nhiệm. MSB cũng là một trong số ít đơn vị đẩy mạnh hợp tác với các đối tác đào tạo uy tín trong và ngoài nước để tổ chức các chương trình nâng tầm năng lực nhân sự theo chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, trong năm 2020 MSB đã triển khai chương trình Talent Pool - chương trình Đào tạo, quy hoạch đội ngũ lãnh đạo kế cận với sự đồng hành của Dale Carnegie - tổ chức tiên phong hàng đầu về phát triển năng lực tổ chức trên thế giới từ năm 1912. Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm TGĐ của Dale Carnegie Việt Nam chia sẻ: "Dự án Phát triển nhân tài của MSB trong 2019-2020 vừa qua mà Dale Carnegie có cơ hội cùng đồng hành đã cho thấy chiến lược phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và mang tính dài hạn của Ban lãnh đạo ngân hàng. Bộ năng lực cốt lõi được MSB may đo riêng cho từng nhóm nhân tài theo các cấp độ khác nhau kết hợp với hệ thống nội dung đào tạo, bài tập thực hành và chuỗi các dự án ứng dụng cho từng cá nhân mà Dale Carnegie triển khai xây dựng, giảng dạy, đồng hành đã mang lại thành công vượt trội cho dự án".

Lộ trình nghề nghiệp - chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp - 2
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm TGĐ của Dale Carnegie Việt Nam

Là một trong số các học viên ưu tú của chương trình Talent Pool, anh Hoàng Vũ Mạnh - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Định chế tài chính - người đã có 12 năm gắn bó với MSB, chia sẻ: "Đây là chương trình được xây dựng công phu và tâm huyết của Ban lãnh đạo MSB. Chương trình cung cấp kiến thức có giá trị thực tiễn, khả năng áp dụng ngay vào trong công việc hàng ngày và đặc biệt là thay đổi tư duy người lãnh đạo đắc nhân tâm, có tầm nhìn chiến lược, hướng tới con người và tới hiệu quả công việc".

Hiện nay thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Vậy nên, các doanh nghiệp chú trọng và chủ động trong công tác hoạch định chiến lược phát triển nguồn lực trong dài hạn bằng các chương trình quy hoạch, luân chuyển cán bộ và xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng chắc chắn sẽ là lợi thế cạnh tranh hiệu quả và là động lực để thu hút, gìn giữ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững. Và cũng không nằm ngoài xu hướng đó, MSB đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định với định vị chiến lược phát triển nguồn nhân lực nội bộ chất lượng cao, luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ CBNV cùng vươn tầm sự nghiệp tại MSB - ông Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Nhân sự của MSB khẳng định.