Lỗ triền miên, năm nay, EVN bất ngờ lãi "khủng"

(Dân trí) - Mức lãi trong năm 2012 của EVN ước tính khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng, đủ bù đắp lỗ trong 2010. Khoản lỗ 8.000 tỷ trong 2011 dự kiến sẽ được bù bằng lãi năm sau. Ngoài ra, Tập đoàn còn khoản lỗ tỷ giá gần 26.700 tỷ đồng chưa xử lý.

Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 3/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng.

Trong đó, chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến 31/12/2011 là 26.669,27 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng. Trong năm 2012, do tỷ giá tương đối ổn định nên ông Tri cho rằng, số lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ không có biến động lớn.

Lỗ triền miên, năm nay, EVN bất ngờ lãi khủng
Ông Đinh Quang Tri: Nếu phân bổ ngay 26.700 tỷ đồng lỗ tỷ giá vào giá thành, giá điện sẽ tăng sốc (Ảnh: BD).

Lãnh đạo EVN cho hay, phương án xử lý gần 26.700 tỷ đồng này đã được Quyết định 854 của Chính phủ phê duyệt, cho phép EVN xem xét đề xuất xử lý trong vòng 5 năm (đến 2015). Đối với năm 2012, EVN dự kiến chỉ đưa vào giá thành những khoản đến hạn trả nợ chứ chưa đưa vào phân bổ 26.700 tỷ đồng. "Nếu đưa khoản này vào sẽ làm tăng vọt giá thành điện và tạo sức ép tăng giá điện".

"Lộ trình tăng giá điện sắp tới đến thời điểm hiện nay chúng tôi cũng chưa dám trình vì còn phải xem điều kiện phát điện, kế hoạch sản xuất năm 2013, kế hoạch tăng trưởng điện ra sao...". Theo nhận xét của ông Tri, trong năm 2012, tăng trưởng điện ước xấp xỉ 10% so năm trước, thấp hơn so kế hoạch đưa ra đầu năm.

Trước báo giới, ông Đinh Quang Tri tự tin nói, trong năm 2012 này, EVN dự kiến sẽ có lãi và sẽ bù lỗ của những năm trước khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng tùy thuộc vận hành của thủy điện. Thời điểm hiện nay, nước về khá tốt.

"Năm nay chắc chắn có lãi, nhưng lãi để bù lỗ của năm 2010 hơn 8.000 tỷ đồng và lỗ của năm 2011 hơn 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, mức lãi 3.500 tỷ - 4.000 tỷ đồng sẽ bù được lỗ của những năm trước. Chúng tôi dự kiến năm 2013, sẽ có lãi để bù tiếp phần còn lại." - ông Tri cho hay.

Ở nội dung này, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ông Đặng Huy Cường thông tin chi tiết hơn về Quyết định 854 của Chính phủ phê duyệt kế hoạch tài chính kinh doanh EVN giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép EVN thực hiện phẩn bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính vào giá điện  trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013. Phân bổ chênh lệch tỷ giá cho giai đoạn từ 2012-2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Từng bước nâng giá điện bình quân để sang năm 2013 giá bán điện theo giá thị trường và từ 2012 đến 2015, Tập đoàn kinh doanh đảm bảo có lãi.

"2013 áp dụng giá điện theo giá thị trường là chưa hợp lý"

Về phía Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Đỗ Gia Phan nói, tuy việc giám sát về giá thành điện năm 2011 được thực hiện trong 2 lần song phải đến lần thứ 2 Hội mới được tham gia.

Lỗ triền miên, năm nay, EVN bất ngờ lãi khủng
Ông Đỗ Gia Phan: Một khi chưa hình thành được thị trường phân phối điện cạnh tranh thì chưa nên để giá điện được điều tiết theo cơ chế thị trường.
(Ảnh:BD).


Theo nhận xét của Hội, về mặt kỹ thuật, những số liệu mà EVN đưa ra đã được thông qua Deloitte kiểm toán. Song riêng về giá thành của điện, có bao gồm cả những chi phí thuộc về chính sách nhà nước như chi phí cải tạo điện nông thôn, chi phí cho bù giá cho các vùng sâu vùng xa, việc bù đắp do phải mua giá điện cao là không hợp lý.

"Cá nhân tôi cho rằng, để cho sòng phẳng, cần phải tách những chi phí liên quan đến chính sách nhà nước ra để đưa vào nguồn khác, không nên đưa vào giá thành điện" - ông Phan nhìn nhận.

Theo phân tích của ông, hiện nay, thị trường mua bán điện cạnh tranh mới hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, trong khi thị trường phân phối điện cạnh tranh chưa có.

Một khi chưa hình thành được thị trường phân phối điện cạnh tranh thì chưa nên để giá điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Nhà nước phải có trách nhiệm kiểm soát, điều tiết giá điện; phải kết hợp kinh doanh ngành điện với chính sách xã hội.

Mấu chốt theo ông Phan là cần đẩy nhanh hình thành thị trường kinh doanh phân phối điện. "Nếu 2013 đã quyết định điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường thì tôi nghĩ là hơi sớm, vì sang 2013 chúng ta chắc chắn chưa thể hình thành được thị trường cạnh tranh về phân phối điện" - đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng bày tỏ.

Cũng tại buổi họp báo chiều qua, liên quan đến vấn đề xử lý nợ nần của EVN, ông Tri cho biết, Tập đoàn đã ký kết với PVN về khoản nợ năm 2011, khoanh lại, chuyển từ nợ tiền đện sang nợ trả dần, thời gian trả chưa quyết do còn phụ thuộc vào tình hình tài chính Tập đoàn.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang xem xét và làm các thủ tục cần thiết đề án phát hành trái phiếu thời gian từ 3-5 năm, tương ứng giá trị khoảng 9.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ trong việc mua bán điện.

Bích Diệp