1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lo nhà đầu tư ngoại thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước

Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế của đất nước.

Cho nước ngoài mua 35% cổ phần: Nên hay chưa?

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, Hiệp hội xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức họp để rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo Nghị định. Trong đó, lưu ý các ý kiến góp ý của các bộ ngành như: PVN, Tập đoàn Xăng dầu, Công ty Luật Hà Dương và của ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước "trên tinh thần cầu thị, xem xét toàn diện các khía cạnh của dự thảo Nghị định".

Việc này nhằm đảm bảo tính khả thi, đánh giá tác động kinh tế xã hội đầy đủ, đảm bảo lưu thông, không xảy ra xáo trộn và dư luận bất lợi; giải trình cụ thể, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2020.

Lo nhà đầu tư ngoại  thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước - 1

Xăng dầu là lĩnh vực được cho là nhạy cảm.

Góp ý về dự thảo này, nhiều ý kiến đã đi sâu phân tích nội dung cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Các ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tác động về chính sách của nội dung này vì không thống nhất với chủ trương của Đảng, Nhà nước khi đàm phán, ký các hiệp định thương mại là chưa mở cửa thị trường xăng dầu cho nhà đầu tư nước ngoài và cũng không đúng với Thông tư 34/2013/TT-BCT năm 2013 của Bộ Công Thương công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trên thực tế về hoạt động đầu tư mua bán cổ phần DN cho thấy, khi nhà đầu tư nước ngoài đã nắm 35% cổ phần chỉ cần "đi đêm" hoặc "núp bóng" cổ đông khác mua thêm tối thiểu 16% cổ phần nữa là nắm được quyền điều hành doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với một số doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài bằng các thủ đoạn khác nhau đã sở hữu nhiều bất động sản tại Việt Nam.

Điều cần lưu ý, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nếu để nước ngoài điều hành thì khó có thể phục vụ trong điều kiện giá dầu thế giới biến động bất lợi hoặc phân phối, kinh doanh tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Vì vậy, việc bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào dự thảo lần này đã cần thiết hay chưa đã được đặt ra.

Lo nước ngoài thâu tóm

Từng được giao phụ trách lĩnh vực xăng dầu, mới đây ông Nguyễn Lộc An, hiện giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý cho dự thảo Nghị định này.

Dẫn các quy định và cam kết quốc tế, ông Nguyễn Lộc An cho biết: Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường kinh doanh xăng dầu; theo quy định của pháp luật trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung. Các cam kết và quy định pháp luật này nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Lộc An, việc Dự thảo Nghị định đưa ra nội dung mở cửa cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam là không phù hợp với cam kết quốc tế, Nghị quyết số 71/2006/NĐ-QH11, Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế.

Theo ông An, khi nhà đầu tư nước ngoài được cho phép sở hữu cổ phần của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước với mức không quá 35% như Dự thảo Nghị định đưa ra thì nhà đầu tư nước ngoài đó cũng hoàn toàn có thể liên kết với cổ đông/nhóm cổ đông khác để tạo thành một nhóm cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn hơn 35%, có quyền phủ quyết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Qua đó có khả năng can thiệp sâu vào việc điều hành hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước.

"Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế. Đặc biệt, đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu nằm tại khu vực biên giới còn ảnh hưởng lớn tới công tác an ninh quốc phòng", ông nêu ý kiến.

"Hơn nữa, khi nhà đầu tư nước ngoài có khả năng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước, Chính phủ, cơ quan điều hành sẽ gặp phải khó khăn trong trường hợp điều hành giá xăng dầu khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm", vị lãnh đạo công tác tại Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm