1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lo ngại độc quyền từ việc liên kết của ba tập đoàn lớn

Trước sự kiện ba tập đoàn Điện lực (EVN), Dầu khí (PVN) và Than – khoáng sản (TKV) Việt Nam ký thoả thuận hợp tác chiến lược, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại đây có thể là một mối liên kết “không sòng phẳng”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại độc quyền từ việc liên kết của ba tập đoàn lớn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại độc quyền từ việc liên kết của ba tập đoàn lớn.
 
Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sự kiện này?

 

Thực ra việc hợp tác chiến lược hoặc tăng cường liên kết doanh nghiệp thì cũng là xu hướng chung hiện nay, các doanh nghiệp lớn nhỏ ở các nước khác nhau cũng làm thế. Nhưng có vấn đề đối với nước mình, tại sao hợp tác giữa ba đơn vị này lại gây ra nhiều băn khoăn trong xã hội?

 

Thứ nhất, tôi nghĩ vì cả ba tập đoàn đều là tập đoàn lớn về năng lượng và độc quyền ở Việt Nam. Ba ông độc quyền bắt tay với nhau lại có thể thành độc quyền lớn hơn trong nhiều lĩnh vực, mà các lĩnh vực của họ rất liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác nhau, và cũng có vai trò cực kỳ lớn trong nền kinh tế.

 

Thứ hai, đối với Nhà nước, tôi cũng e ngại là Nhà nước sẽ càng khó kiểm soát họ hơn. Trước đây từng đơn vị một mà hoạt động của họ cũng đã có bao nhiêu điều chưa minh bạch về kiểm tra, giám sát kém dẫn đến xảy ra chuyện nọ chuyện kia rồi. Bây giờ ba tập đoàn trong chương trình họ gọi là hợp tác chiến lược với nhau thì liệu các cơ quan nhà nước có kiểm soát nổi nữa không?

 

Điều thứ ba, là các thông tin báo chí đưa về mấy lĩnh vực hợp tác đó cũng không đủ làm yên tâm, thuyết phục được những người khác trong xã hội. Sự hợp tác đó thực sự mang tính chất nghiêm túc và mang lại lợi ích cho xã hội không? Nếu họ hợp tác mà đảm bảo minh bạch và làm thật thì cũng có những lĩnh vực có thể hợp tác với nhau để làm tốt hơn. Ví dụ, cùng làm về ngành năng lượng, cả ba tập đoàn đều tham gia sản xuất điện, nhưng làm thế nào để điện tăng trưởng tốt hơn, khắc phục được tình trạng lúc nào cũng kêu thiếu điện, hoặc là sử dụng điện hợp lý hơn, đừng để EVN thì không mua điện của PVN, mà lại đi mua điện của Trung Quốc chẳng hạn.

 

Tất cả những điều đó có thể tránh được nếu họ có hợp tác chiến lược với mục tiêu đặt lợi ích kinh tế của quốc gia lên hàng đầu. Rồi những vấn đề về nghiên cứu, thực hiện chiến lược năng lượng của Việt Nam, sự hợp tác tốt cũng có thể giúp đưa ra bài toán về năng lượng của Việt Nam chuẩn xác hơn. Và cả những lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, về đào tạo… hoàn toàn có thể hợp tác tốt được.

 

Việc ba tập đoàn độc quyền, lại hợp tác với nhau, nhất là về quy hoạch, theo bà sẽ ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp khác ngoài khối ba tập đoàn này thế nào?

 

Tôi cho rằng nếu liên kết không sòng phẳng thì nó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác, vì bây giờ chiến lược về phát triển thị trường điện của chúng ta mới đang bắt đầu triển khai. Và thực tế, mới bắt đầu bằng khâu phát điện thì nhiều công ty phát điện, nhiều người sản xuất điện đã lo ngại rồi. Bán điện cho EVN là nhà độc quyền mua, thế thì hợp tác này hoàn toàn có thể xảy ra việc EVN dành ưu tiên để mua điện của TKV hay PVN, mà đẩy những người khác ra. Như vậy không những gây lo ngại cho những doanh nghiệp khác cùng kinh doanh trong lĩnh vực, mà còn làm cho mục tiêu chiến lược của Nhà nước về phát triển thị trường điện bị ảnh hưởng. Cạnh tranh trong ngành điện có thể không lành mạnh.

 

Theo bà, việc hợp tác này có vi phạm các quy định của Nhà nước, vi phạm luật Cạnh tranh, hạn chế độc quyền nhất là liên kết độc quyền không thưa bà?

 

Bản thân EVN hiện nay vẫn là nhà chi phối về thị trường phát điện rồi, ba tập đoàn cộng lại thì có thể trở thành vị trí thống lĩnh thị trường lớn hơn.

 

Nhưng tôi nghĩ về phía cơ quan quản lý cạnh tranh hoàn toàn có quyền yêu cầu trình bày, xem cách thức hợp tác chiến lược có ảnh hưởng gì tới các quy định về kiểm soát cạnh tranh, độc quyền trên thị trường không?

 

Ý bà là cục Quản lý cạnh tranh của bộ Công thương?

 

Đúng vậy, hoặc là hội đồng Quản lý cạnh tranh của quốc gia, cả hai tổ chức đó đều có quyền hỏi. Nhưng mà, lại đặt ra một điều nữa có thể làm e ngại, là cục Quản lý cạnh tranh cũng như cục Điều tiết điện đều là thuộc bộ Công thương. Mà cả ba tập đoàn này đều là ba ngành lớn do bộ Công thương quản lý là chính. Về danh nghĩa thì họ thuộc Thủ tướng nhưng Thủ tướng lại uỷ quyền lại cho bộ Công thương quản lý về nhiều mặt.

 

Vậy cần có cơ chế gì, theo bà?

 

Tôi cho là phải giám sát, người đầu tiên đáng lẽ phải lên tiếng hỏi là cục Quản lý cạnh tranh hoặc hội đồng Quản lý cạnh tranh. Hoặc là bộ Công thương đứng về trách nhiệm quản lý Nhà nước với ba tập đoàn này, phải xem chuyện hợp tác chiến lược này là cái gì đây. Những gì không đúng với chủ trương của Nhà nước, với luật Cạnh tranh thì phải nhắc nhở ngay, thổi còi ngay…

 

Độc quyền năng lượng là nguy hiểm cho nền kinh tế

 

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc hợp tác giữa ba tập đoàn nếu xét về mặt tốt là giúp quy hoạch ngành năng lượng, phối hợp với nhau tốt về việc mua bán điện. Bởi trước đó tập đoàn than kêu phải bán giá thấp cho EVN, rồi kêu EVN nợ mình, PVN kêu EVN sử dụng không hết công suất, mua giá điện thấp trong nước thấp, trong khi đó thì mua điện giá cao của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, việc hợp tác nếu để độc quyền, củng cố độc quyền năng lượng thì việc đó rất nguy hiểm cho toàn bộ nền kinh tế. Bởi lúc bấy giờ sẽ tăng giá cho các doanh nghiệp và làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Nếu vậy thì rất khó, không ai kiểm soát được.

 

Ông Doanh đánh giá, trong quản lý cạnh tranh của Việt Nam, việc quản lý độc quyền rất kém, kiểm soát rất kém. Nếu bây giờ ba tập đoàn bắt tay lại càng hùng mạnh hơn nữa thì việc quản lý độc quyền càng kém nữa.

 

“Đây là một cách để họ giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn giữa ba bên với nhau. Mặt ấy có lẽ là tốt nhưng cũng có ẩn ý, mà điều đó thì bây giờ chưa biết, vì thế, việc này rất cần có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, các hiệp hội, như hiệp hội về năng lượng phải lên tiếng”, ông Doanh nói.

 

Theo Việt Anh

SGTT