Lo lắng sau 1 đêm sẽ có hàng chục triệu tài khoản mobile money?
(Dân trí) - Mobile money chỉ cấp cho thuê bao di động đã được định danh, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết lo ngại sau 1 đêm sẽ có hàng chục triệu tài khoản mobile money sẽ không xảy ra.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định cá biệt về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) vào ngày 24/4/2020.
Hiện tại, dự thảo này đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ ngành và thời gian tới sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.
Và nếu dự thảo được thông qua thì doanh nghiệp viễn thông sẽ làm đề án gửi đơn vị đầu mối để được cấp phép và triển khai dịch vụ này.
Về bản chất, mobile money (còn gọi là dịch vụ tiền di động) là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Do đó, theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, người dùng sẽ không phải lo lắng về việc sim rác.
Trước băn khoăn về việc khi đã cấp phép thì có xảy ra tình trạng sau 1 đêm sẽ có hàng chục triệu tài khoản mobile money không, ông Phạm Tiến Dũng cho biết sẽ không xảy ra tình trạng này. Bởi quyền có mở tài khoản mobile money hay không là lựa chọn của khách hàng và khi có tài khoản rồi, khách hàng có quyền lựa chọn có nạp tiền hay không và có quyền lựa chọn có tiêu hay không.
"Ngân hàng Nhà nước hiện đã hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định cá biệt về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) ngày 24/4/2020 và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (tháng 6/2020).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xin ý kiến rộng rãi đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (e KYC) không cần gặp mặt trực tiếp để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán (hiện 2 dự thảo này đang đăng tải trên website Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước) để trình ban hành trong năm 2020", ông Dũng thông tin thêm.
Cũng theo ông Phạm Quang Dũng, trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
Thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động trong 4 tháng năm 2020 đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019: thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
An Hạ