Lỗ gần 400 tỷ đồng: Tổng công ty nhà nước bị Bộ Tài chính cảnh báo

Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty CP Sông Hồng - một công ty có trên 73% vốn nhà nước. Tính đến hết năm 2016, lỗ lũy kế của công ty Sông Hồng lên tới gần 390 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 63 tỷ đồng.

Thua lỗ, âm vốn

Bộ Tài chính cho hay: Năm 2016, doanh thu của Sông Hồng là hơn 564 tỷ đồng, tăng hơn 28 tỷ so với năm 2015 (tăng 5,3%). Tuy nhiên tổng chi phí năm này cũng lên tới hơn 723 tỷ đồng, tăng tới 15,3% so với năm 2015.

“Mức tăng của chi phí cao hơn mức tăng của doanh thu, dẫn tới lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Sông Hồng năm 2016 âm tới hơn 170 tỷ đồng”, Bộ Tài chính đánh giá.

Tính đến thời điểm hết năm 2016, Bộ Tài chính cho biết lỗ lũy kế của công ty Sông Hồng lên tới gần 390 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị lâm vào tình trạng âm nặng là hơn 63 tỷ đồng.


Lo mất vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng

Lo mất vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng

Trong khi đó, nợ ngắn hạn của Sông Hồng tại thời điểm hết năm 2016 lên tới gần 900 tỷ đồng, cao hơn số dư tài khoản ngắn hạn.

Điều này khiến Bộ Tài chính lo ngại tổng công ty này đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được tài trợ cho tài sản dài hạn, dẫn tới rủi ro trong thanh toán. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của Sông Hồng âm tới hơn 27,7 tỷ đồng.

Từ kết quả kinh doanh trên, Bộ Tài chính đánh giá: Năm 2016 Sông Hồng tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu tạo ra không đủ bù đắp chi phí, lỗ năm sau cao hơn năm trước.

Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Sông Hồng có giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kiểm soát chi phí, giảm lỗ tối đa, tiến tới kinh doanh có lãi trong các năm tiếp theo.

Bộ Tài chính cũng lo ngại khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm) của Sông Hồng sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.

Ngoài lý do đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ như nêu ở trên, Bộ Tài chính cho rằng tình trạng mất khả năng thanh toán của Sông Hồng còn do Tổng công ty đang bị mất cân đối về tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm, tình hình quản lý công nợ không hiệu quả.

Lo mất vốn nhà nước

Bộ Tài chính cũng bày tỏ quan ngại trước hiệu quả hoạt động đầu tư của Tổng công ty Sông Hồng.

Đến hết năm 2016, Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 28 công ty, với tổng số tiền là hơn 205 tỷ đồng, cố tức lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư tài chính chỉ vỏn vẹn 867 triệu đồng (tỷ suất sinh lời đạt 0,42%).

“Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Sông Hồng không hiệu quả, tỷ suất sinh lời thấp”, theo Bộ Tài chính.

Trong số 28 DN Sông Hồng góp vốn đầu tư, tổng công ty này phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 17 đơn vị với tổng số tiền là hơn 173 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị rà soát các khoản đầu tư ra ngoài DN, thực hiện thoái vốn tại các DN không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, không hiệu quả.

Trước tình hình của Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Tài chính cho rằng: Sản xuất kinh doanh, đầu tư của Sông Hồng đang gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hết 2016, Sông Hồng đã bị âm vốn chủ sở hữu và có rủi ro về khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

“Vốn nhà nước đầu tư tại tổng công ty không được bảo toàn”, Bộ Tài chính lo ngại.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cần làm rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Theo Lương Bằng
VietnamNet