Lo châu Âu cấm vận, giá dầu đang đua cao trở lại

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu đang đua cao trở lại và dự kiến sẽ chứng kiến nhiều đợt tăng đột biến cũng như giảm đột ngột khi thế giới đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm năng.

Với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa thời kỳ giá xăng đắt đỏ sẽ kéo dài hơn. Còn với các nền kinh tế, điều đó có nghĩa là lạm phát tăng cao. Bên cạnh đánh trực tiếp vào túi tiền của người tiêu dùng, giá xăng tăng còn khiến chi phí của các doanh nghiệp phụ thuộc vào xăng như hàng không, vận tải, hóa chất, sản xuất nhựa... cao hơn.

Lo châu Âu cấm vận, giá dầu đang đua cao trở lại - 1

Giá dầu tăng cao đồng nghĩa thời kỳ giá xăng đắt đỏ sẽ kéo dài hơn (Ảnh: Reuters).

Giá có thể tăng đột biến hoặc giảm đột ngột

Chiến sự tại Ukraine diễn ra vào thời điểm giá dầu đang tăng cao do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu đang tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa sau đại dịch. Giờ đây, việc thiếu hụt 5 triệu thùng/ngày dầu xuất khẩu từ Nga đang gia tăng áp lực lên giá.

Hôm qua, giá dầu đã tăng hơn 7% khi Liên minh châu Âu (EU) xem xét tham gia cùng Mỹ cấm vận dầu mỏ của Nga và sau khi phiến quân Houthi tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco.

Lúc 7h20 sáng nay, giá dầu WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 114,3 USD/thùng, tăng gần 2% so với chốt phiên hôm qua. Trong khi đó, giá dầu Brent lên mức 118 USD/thùng, tăng 2,25%.

Các nhà phân tích cũng thừa nhận rằng giá dầu có thể giảm đột ngột nếu tình hình Ukraine "hạ nhiệt".

Ông Daniel Pickering, Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, cho rằng phạm vi dao động của giá trong khoảng 2 tuần rất rộng. Giá dầu đã đi từ mức 90 USD/thùng lên 130 USD/thùng trong một tháng và từ mức 125 USD/thùng về 95 USD/thùng chỉ trong một tuần. Đó sẽ là mức biến động bình thường. Mức biến động 10 USD hay 10% không là gì.

Thực tế thị trường đã tăng trở lại khi các nhà giao dịch lo sợ nguồn cung thắt chặt hơn. Ông Pickering cho rằng ngay lúc này đó là nỗi sợ hãi về các hành động xung quanh các thùng dầu của Nga và điều đó sẽ tạo ra nhiều biến động. Giá dầu có thể trở lại mốc 130 USD/thùng nếu dầu Nga thực sự bị loại khỏi thị trường.

Ông Pickering ước tính có 2 - 3 triệu thùng/ngày dầu của Nga bị đóng băng trên thị trường mà không có người mua ngay. Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp tục mua dầu của Nga. Với mức chiết khấu cao, ông tin rằng, theo thời gian những người mua khác sẽ sẵn sàng mua.

Ông Francisco Blanch, Trưởng bộ phận hàng hóa và phái sinh của Bank of America, cho rằng thị trường Mỹ đang thiết lập cho đợt tăng giá định kỳ.

Ông cho biết trong một lưu ý rằng tăng trưởng sản xuất hạn chế và nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu tăng mạnh đang khiến hàng tồn kho sụt giảm tại kho dự trữ dầu thô Cushing ở Oklahoma (Mỹ). Việc nguồn dự trữ eo hẹp có thể khiến thị trường giao dịch kỳ hạn biến động nhiều hơn, vì người nắm hợp đồng kỳ hạn phải giao hàng thực tế khi hợp đồng đến hạn.

Sự hội tụ này đã khiến giá dầu WTI về âm vào tháng 4/2020 khi các nhà đầu tư buộc phải thanh lý hợp đồng với giá âm trong thời kỳ nhu cầu xuống cực thấp. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, theo ông Blanch, nguồn cung khan hiếm có thể khiến giá dầu tăng đột biến trong thời gian hợp đồng đến hạn khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào.

Lo châu Âu cấm vận, giá dầu đang đua cao trở lại - 2

Việc nguồn dự trữ eo hẹp có thể khiến thị trường giao dịch kỳ hạn biến động nhiều hơn (Ảnh: Reuters).

Châu Âu sẽ cấm vận dầu của Nga?

Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về việc cấm vận dầu thô của Nga. Tuy nhiên, ý định này đang có sự bất đồng giữa các thành viên trong khối.

Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, cho rằng, viễn cảnh các lệnh trừng phạt hay cấm vận dầu của Nga ở châu Âu đang thực sự gia tăng và áp lực sẽ tăng lên trong tuần này.

"Nhưng nó cần phải được thực hiện một cách cẩn thận và có sự tham vấn kỹ lưỡng của ngành nhằm giảm thiểu sự gián đoạn này", ông Yergin nói.

Bà Helima Croft, người đứng đầu hàng hóa chiến lược toàn cầu tại RBC, cho biết bà hoài nghi châu Âu sẽ ra lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Bởi châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất về dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.

"Tôi vẫn nghĩ rằng Đức sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng, vì vậy huyết mạch kinh tế cung cấp cho ông Putin nhờ bán dầu và khí đốt sẽ vẫn tồn tại", bà Croft nói.

Thiếu hụt nguồn cung

Các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã bị phiến quân Houthi tấn công hôm cuối tuần. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái đã nhằm vào một nhà máy khử muối, một nhà máy khí đốt tự nhiên, một nhà máy điện và một cơ sở khí đốt. Tuy nhiên, Aramco cho biết nguồn cung không bị ảnh hưởng.

Ông John Kilduff, đối tác với Again Capital, cho rằng người Ả Rập đang lấy cớ bị Houthi tấn công để miễn trừ trách nhiệm cung cấp thêm dầu cho thị trường. "Việc Saudi Arabia từ chối bổ sung nguồn cung đang làm trầm trọng thêm vấn đề giá cả đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới", ông nói.

Saudi Arabia là thành viên hàng đầu của OPEC+, bao gồm nhóm OPEC và Nga. Nhóm này đã thống nhất bơm thêm mỗi tháng 400.000 thùng/ngày đến hết tháng 6. Tại cuộc họp gần nhất, OPEC+ không đưa ra tín hiệu tăng cung nào.

Saudi Arabia đã im lặng về cuộc chiến và không hứa sẽ bổ sung thêm bất kỳ loại dầu nào cho thị trường ngoài kế hoạch trước đó. Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm vương quốc này. Dự kiến sắp tới Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ đến thăm nước này.

"Saudi Arabia vẫn kiên quyết với công thức bơm nhỏ giọt của OPEC+. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trở về London mà không lay chuyển được tình hình. Và giờ đây với việc phiến quân Houthi tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, vương quốc này đang cảnh báo họ có thể không duy trì mức sản xuất như hiện tại", bà Croft nói.

Ông Yergin cũng cho rằng Saudi Arabia cũng khó mà rời bỏ được quan hệ với OPEC+. "Quan hệ đối tác OPEC+ thực sự là một thỏa thuận của Saudi Arabia và Nga và trước khi tất cả những điều này xảy ra, thỏa thuận đó là cơ sở để ổn định thị trường", ông nói và cho biết thêm: "Kể từ khi giá dầu đi xuống vào năm 2014, mục tiêu của nhóm là đưa Nga vào một thỏa thuận hơn là để Nga đứng ngoài với tư cách là đối thủ cạnh tranh. Mối quan hệ này ngày càng sâu sắc và họ đã trở thành đối tác chiến lược".

"Nếu OPEC không bơm thêm dầu, thị trường sẽ eo hẹp hơn", ông Pickering nói và cho rằng OPEC có thể sẽ bơm thêm nhưng không nhất thiết với mức như châu Âu và Mỹ muốn.

Các nguồn cung khác

Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung cấp khác, bao gồm cả các thùng dầu đang bị trừng phạt của Venezuela.

Thị trường cũng mong đợi một thỏa thuận với Iran để cho phép hơn 1 triệu thùng/ngày của nước này vào thị trường, đổi lại nước này sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân. Nhưng những cuộc đàm phán đó đã bế tắc trong những tuần gần đây.

Các nhà sản xuất của Mỹ cũng có thể sản xuất nhiều dầu hơn, nhưng đóng góp của họ dự kiến không lớn hơn nhiều so với mức 900.000 thùng đến 1 triệu thùng được kỳ vọng bổ sung mỗi ngày trong năm nay.

Nhà Trắng đã triệu tập một số giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ tại một cuộc họp diễn ra hôm qua.

Tuy nhiên, ông Pickering không cho rằng ngành này bắt buộc phải hành động. "Chúng ta cần xem liệu chính phủ có cung cấp củ cà rốt nào hay không. Họ chắc chắn đã đưa ra cây gậy nhưng tôi cho rằng cây gậy sẽ không hoạt động".

Theo CNBC