Lo bị "ông lớn" nước ngoài thâu tóm, doanh nghiệp Việt làm gì cũng... sợ!

(Dân trí) - Một đại diện doanh nghiệp lo ngại khi vào "sân chơi" EVFTA, nhà đầu tư ngoại với tiềm lực về vốn liếng, công nghệ sẽ “thâu tóm" nhiều ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam.

Lo bị ông lớn nước ngoài thâu tóm, doanh nghiệp Việt làm gì cũng... sợ! - 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân chủ trì hội nghị.

Đó là băn khoăn của bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP. Cần Thơ tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” diễn ra sáng nay (5/6).

Bà Thuận cho biết, tại Cần Thơ, trên 98% doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp còn hạn chế năng lực kinh doanh, cạnh tranh thấp, nguồn vốn cũng hạn chế...

Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mãi chưa được tháo gỡ. “Vấn đề của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là logistic. Phần lớn doanh nghiệp vẫn phải chở hàng tới cảng TP.HCM, tốn kém quá làm nâng giá thành lên”, bà Thuận cho biết.

Bà Thuận cho rằng, điều này khiến doanh nghiệp Cần Thơ kém cạnh tranh ngay cả với các doanh nghiệp khác trong nước chứ chưa cần so với các doanh nghiệp ngoại.

Do vậy, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP. Cần Thơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, đẩy mạnh việc nâng cấp cảng Cần Thơ, sao cho phù hợp với năng lực xuất khẩu các ngành hàng chủ lực tại địa phương này.

Một vấn đề khiến bà Thuận băn khoăn nữa đó là M&A - mua bán sáp nhập. Theo bà Thuận, nhiều công ty lớn đã vào Việt Nam để mua lại các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.

“EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư vào Việt Nam đầu tư. Chúng tôi băn khoăn trong thời gian tới, liệu với sức mạnh về công nghệ, về vốn liếng của họ có khi nào họ sẽ thâu tóm các ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam hay không?”, bà Thuận đặt vấn đề.

Theo bà Thuận, Việt Nam vẫn chào đón dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. “Tuy nhiên, khi họ thâu tóm như vậy có lợi hay có hại? Doanh nghiệp phải chuẩn bị thế nào để không đánh mất mình. Chúng tôi băn khoăn điều này mà không biết giải đáp thế nào”, bà Thuận nói.

Đáp lời bà Thuận, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: “Quan điểm cá nhân, cuộc chơi là bình đẳng. Chúng ta chấp nhận chơi, chúng ta thua thì phải chịu. Làm gì cũng sợ thì làm ăn cái gì, sao mở rộng phát triển được”.

Cũng theo vị này, do xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là tầng lớp dễ bị tổn thương nên thông qua hội nghị này kỳ vọng các doanh nghiệp liên quan xuất nhập khẩu sẽ chủ động tìm hiểu, hiểu biết thật kỹ về EVFTA để tiếp cận cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh.

“Khi đã tham gia rồi không có thể chế nào can thiệp được đâu. Doanh nghiệp phải hiểu đúng đã, hỗ trợ chỉ là một phần, cài gì cũng phải có hai chiều”, ông Thân nói.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thời đại kinh tế thị trường quy mô toàn cầu hoá, việc M&A là bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình đó, vẫn phải lưu ý đến vấn đề an ninh quốc gia, đề cao lợi ích quốc gia.

Theo ông Tuấn Anh, sau Covid-19, thế giới đang điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Về phía Việt Nam, việc điều chỉnh chính sách trong thời kỳ mới đảm bảo thu hút đầu tư một cách chọn lọc, bảo vệ lợi ích quốc gia, môi trường.

Tổ chức lại sản xuất, tiếp cận thị trường

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phát triển các mặt hàng xuất khẩu cần được cải thiện để có thể tiếp cận thị trường tốt hơn. Đối với EVFTA, đòi hỏi tiêu chuẩn, kỹ thuật rất cao.

Lấy ví dụ đối với ngành thuỷ sản, Bộ trưởng cho biết Việt Nam mới chỉ chiếm 2% thị trường châu Âu khi xuất khẩu mặt hàng này.

Lo bị ông lớn nước ngoài thâu tóm, doanh nghiệp Việt làm gì cũng... sợ! - 2
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị.

Mặc dù có năng lực cung ứng mặt hàng này song theo ông Tuấn Anh, Việt Nam còn vi phạm quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Chúng ta không được khai thác các nguồn bất hợp pháp, đây là nội dung quan trọng các doanh nghiệp cần hiểu rõ, nắm bắt được.

Thêm nữa theo ông Tuấn Anh, hiện Việt Nam còn yếu trong công nghiệp hỗ trợ. Chương trình hành động sắp tới sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, tạo sức mạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên người đứng đầu Bộ trưởng Công Thương lưu ý, hiện có một tâm lý không chào đón đầu tư, nhất là dệt may da giày ở nhiều địa phương.

“Chúng ta có hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn để bảo vệ môi trường, chưa kể công nghệ mới. Đây là nhiệm vụ lớn chúng ta đặt ra. Rất mong các địa phương có quan điểm tích cực hơn”, ông Tuấn Anh nói.

Tại hội nghị, đại diện phía doanh nghiệp cũng cho rằng, EVFTA đang mở ra cơ hội lớn trong xuất khẩu hoa quả tươi, do vậy đề nghị các bộ ngành hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Bởi nếu nhỏ lẻ quá thì việc thu gom khó khăn, sản phẩm không đồng đều, khó đáp ứng số lượng lớn.

Về truyền thông, đại diện doanh nghiệp cho rằng thời gian qua mới đề cập nhiều đến lợi ích, trong khi doanh nghiệp cần nhiều thông tin cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn đối với những ngành hàng sẽ mở ra cơ hội gì, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn để có thể tận dụng được cơ hội khi vào EVFTA...

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm