Lo bị ngừng giao dịch, khách tăng tốc xác thực sinh trắc học trước 1/1/2025
(Dân trí) - Sát hạn xác thực sinh trắc học, nhiều người, đặc biệt khách lớn tuổi hoặc chưa cập nhật căn cước mới, đến ngân hàng xác thực sinh trắc học thay vì làm online để tránh bị khóa tài khoản.
Tuần qua, ghi nhận của phóng viên báo Dân trí cho thấy, tại các điểm giao dịch ngân hàng tiếp nhận lượng khách hàng tăng cao so với mọi năm, chủ yếu là chủ tài khoản đem theo căn cước công dân (CCCD) gắn chip, để được hỗ trợ định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.
Ngân hàng "chạy đua" xác thực sinh trắc học trước "giờ G"
Ông Nguyễn Văn Hòa (Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ những ngày cuối cùng trước hạn 1/1/2025 ra ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học. Các bước đơn giản như chụp ảnh mặt trước, mặt sau và tiến hành quét mã QR trên căn cước công dân, khuôn mặt khá nhanh.
Tuy nhiên, ở bước xác thực cuối cùng và quan trọng nhất là quét dữ liệu thông qua công nghệ NFC (Near Field Communication - công nghệ giao tiếp trường gần) lại khiến ông gặp khó khăn do điện thoại không hỗ trợ.
Ông Hòa nói khó khăn song công việc bận, nhà xa và bản thân chưa có nhu cầu chuyển nhiều tiền, cụ thể là chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc lũy kế 20 triệu đồng mỗi ngày nên ông chưa đến ngân hàng xác thực. "Lần này nếu không xác thực sẽ không được giao dịch nên tôi đành đi", ông Hòa nói.
Từ cuối tháng 6, chị Trần Huyền Trang (Bắc Ninh) cũng biết thông tin phải xác thực sinh trắc học để được giao dịch từ 10 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, chị bận con nhỏ và thấy chưa cần thiết nên cũng chưa đến ngân hàng nhờ nhân viên hỗ trợ xác thực.
Trước đây, chị đã thử cập nhật nhưng chưa khi nào thành công. Lúc thì "sai thông tin", "hết phiên giao dịch", khi lại "không nhận dạng khuôn mặt" hoặc "không thể quét thẻ NFC".
Loay hoay mà chưa hoàn thành, chị quyết định mặc kệ do nhu cầu giao dịch ít. Với những khoản tiền lớn, chị nhờ chồng chuyển hoặc tách ra thành nhiều giao dịch. "Hiện tại, tôi đã xác thực được và yên tâm, không lo bị khóa tài khoản", chị Trang nói.
Chị Đỗ Ngọc Thủy (quận 10, TPHCM) cũng cho biết nhiều lần làm thử sinh trắc học tại nhà nhưng không thành công. Ngày cuối tuần vừa rồi đi ngang chi nhánh ngân hàng gần nhà, thấy mở cửa nên ghé nhờ nhân viên hỗ trợ và hoàn thành trong 10 phút.
Anh Nguyễn Bá Nguyên, (quận 9, TPHCM) bất ngờ khi có hơn 20 người xếp hàng làm xác thực sinh trắc vào sáng thứ 7 tuần vừa rồi ở chi nhánh ngân hàng anh ra đăng ký. Nguyên cho biết anh có mở thẻ online trước đó nên giờ cần đến ngân hàng nhận thẻ và ký chữ ký, sẵn nhờ nhân việc hỗ trợ làm sinh trắc học.
"Việc xác thực sinh trắc học nhanh nhưng do lượng khách tới đông nên cũng phải chờ hơn 45 phút mới tới lượt", Nguyên chia sẻ.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2025, người dân chưa xác thực sinh trắc học hoặc chưa cập nhật giấy tờ tùy thân sẽ bị ngừng giao dịch trực tuyến.
Để hỗ trợ khách hàng, chi nhánh các ngân hàng quốc doanh và chi nhánh một số ngân hàng tư nhân cũng mở cửa làm việc ngoài giờ hành chính và cuối tuần.
Ngày 29/12, tại một chi nhánh giao dịch ngân hàng quốc danh, phóng viên Dân trí ghi nhận phần đông người dân tới phòng giao dịch là người lớn tuổi, điện thoại có vấn đề về kỹ thuật, hoặc chưa cập nhật căn cước công dân mới...
Nhân viên hỗ trợ tại một nhà băng cho biết từ cuối tháng 11, ngân hàng đã tổ chức triển khai làm việc ngoài giờ hành chính và làm thêm vào cuối tuần để phục vụ khách hàng. Khách tới đa phần là do thiết bị bị lỗi, hoặc chưa đặt để thẻ CCCD đúng vị trí quét NFC.
"Việc khách hàng không cập nhật thông tin trước ngày 1/1/2025 sẽ dẫn đến gián đoạn trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch tài chính cá nhân", nhân viên này nói.
Một số ngân hàng thời gian vừa rồi thậm chí tung ưu đãi tặng lãi suất để thúc khách hàng cập nhật sinh trắc học đúng hạn. Có ngân hàng cộng thêm lãi suất tiền gửi cho khách, ngân hàng khác lại miễn phí mở tài khoản số đẹp…
Những trường hợp bị ngừng giao dịch nếu chưa xác thực sinh trắc học
Theo đó, Thông tư 17 quy định chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).
Thông tư 18 cũng yêu cầu giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính... Còn các giao dịch thẻ trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS) vẫn diễn ra bình thường, không yêu cầu phải sinh trắc học.
Như vậy, giao dịch ngân hàng bị dừng nếu không xác thực tài khoản bao gồm các giao dịch trực tuyến như chuyển tiền qua Internet Banking và Mobile Banking; thanh toán hóa đơn; liên kết và sử dụng ví điện tử.
Với hình thức giao dịch tại máy ATM hoặc CDM, khách hàng cũng sẽ không thể sử dụng các dịch vụ như nộp, rút tiền mặt; chuyển khoản và thanh toán.
Với dịch vụ thẻ, các giao dịch bị dừng nếu không xác thực thông tin khách hàng sẽ là: Kích hoạt hoặc gia hạn thẻ; thanh toán thẻ qua POS.
Ngoài các dịch vụ trên, nếu tài khoản ngân hàng không xác thực thông tin, khách hàng sẽ không thể sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán giao dịch mua sắm trực tuyến.
Theo quy định tại Luật Căn cước, từ ngày 1/1/2025, chứng minh nhân dân và căn cước công dân 9 số sẽ không còn hiệu lực.
Do đó, người dân cũng cần cập nhật CCCD gắn chip và thực hiện xác thực sinh trắc học để tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Các quy định này của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch online và giúp giảm thiểu tối đa hành vi lừa đảo thông qua hệ thống ngân hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm, bám sát nhiệm vụ chung giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, ban hành Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Tính đến ngày 20/12, ngành ngân hàng đã có trên 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản online, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học.