Lo bất khả thi mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Trong 4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm rõ rệt so với năm trước. Bên cạnh đó, hàng loạt các chỉ số khác như vốn đăng ký, lao động cũng giảm theo.
Sáng nay (28/4), trong buổi công bố ra mắt Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 và Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đã thừa nhận: Việc đạt 1 triệu doanh nghiệp mới trong năm 2020 là rất khó khăn.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó đạt được, thậm chí là không đạt. Bởi theo ông Lâm, số liệu Tổng cục Thống kê điều tra trong 4 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, chỉ bằng 86,8% so với 4 tháng của năm 2019.
Vốn đăng ký cũng chỉ bằng 82,1%, đăng ký về lao động chỉ đạt 70,3% so với 4 tháng đầu năm 2019. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp cũng giảm, chỉ còn 94,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 2,1%, nhưng theo ông Lâm, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn vì một số lý do như ngừng để đầu tư mở rộng, hay thay đổi ngành nghề,…lại tăng 33,6%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể lại giảm còn 80,8% so với năm trước. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 96,2%.
Ông Lâm nhận định, những con số trên cho thấy mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020 là rất khó thực hiện. Năm nay, con số thành lập doanh nghiệp mới có kỷ lục cũng chỉ đạt tới 900.000 doanh nghiệp.
Song theo quan điểm của những người làm thống kê, số lượng doanh nghiệp chỉ là 1 khía cạnh trong bức tranh phát triển chung. Một trong các yếu tố quan trọng phải là doanh nghiệp thành lập ở khu vực kinh tế nào, ngành nghề kinh tế nào và đồng thời quy mô doanh nghiệp ra sao.
“Trong bối cảnh kinh tế 4.0 và sự ảnh hưởng của dịch bệnh, chính phủ đang có đề án đẩy mạnh kinh tế số, thì doanh nghiệp thành lập cần phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại chứ không phải tập trung vào nhà hàng, khách sạn. Bởi ngành dịch vụ này cũng chỉ có ngưỡng giới hạn”, Tổng cục trưởng cho hay.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã điều tra trực tuyến online với hơn 126.000 doanh nghiệp để phản ánh về đánh giá của doanh nghiệp. Trong đó sẽ làm rõ 3 vấn đề: Đánh giá thực trạng tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; doanh nghiệp cần hỗ trợ gì; hiệu quả tác động chỉ thị 11 ban hành trong thời điểm dịch.
Đây là tiền đề để Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất tới doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018.
Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Trong đó, TPHCM dẫn đầu với 26,5 doanh nghiệp; tiếp sau đó là Đà Nẵng có 19,8 doanh nghiệp và Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp.
Có 55/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 5 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1000 dân thấp hơn 2 doanh nghiệp: Hà Giang và Sơn La đều có 1,4 doanh nghiệp; Tuyên Quang và Điện Biên cùng có 1,7 doanh nghiệp; Bắc Kạn có 1,9 doanh nghiệp.
Thế Hưng