Liệu có đổ vỡ toàn bộ thị trường cho vay trả góp khi mua ô tô?

Các ngân hàng giữ lại giấy đăng ký xe bản gốc khi các chủ xe mua ô tô trả góp, trong khi, công an lại không chấp nhận giấy tờ công chứng khi tham gia giao thông. Liệu thị trường vay trả góp ô tô có đỗ vỡ?

Khi vay mua ôtô tại ngân hàng hiện nay, theo thỏa thuận ngân hàng giữ giấy tờ gốc, khách được cấp bản sao có chứng thực. Tuy nhiên, người dân tham gia giao thông đang lo lắng vì thông tin sẽ bị phạt nếu không xuất trình được giấy tờ xe bản chính theo yêu cầu.

Ngân hàng vẫn muốn giữ giấy tờ xe gốc

Vì mục đích kinh doanh, giao dịch với khách hàng cộng với mong muốn có ô tô để chở hàng, anh Nguyễn Khắc Quang (35 tuổi, quê Thanh Hóa) quyết định sẽ vay ngân hàng hơn 800 triệu để mua một chiếc xe bán tải Chevrolet Colorado để thuận tiện cho công việc làm ăn.

Khi tới ngân hàng VPBank, văn phòng giao dịch trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Quang được nhân viên tín dụng tại đây hồ hởi tư vấn rằng: Anh có thể vay trả dần tối thiểu trong vòng 4 năm với lãi suất 0,7%/tháng.

Trung bình mỗi tháng anh sẽ trả khoảng hơn 20 triệu đồng cả gốc và lãi, với số dư nợ giảm dần.


Người mua ô tô trả góp lo lắng khi tham gia giao thông vì sợ bị công an phạt do thiếu giấy tờ gốc. Ảnh: P.N

Người mua ô tô trả góp lo lắng khi tham gia giao thông vì sợ bị công an phạt do thiếu giấy tờ gốc. Ảnh: P.N

Bày tỏ nỗi băn khoăn và lo lắng trước thông tin người mua ôtô trả góp khi tham gia giao thông mà không xuất trình được giấy tờ bản gốc sẽ bị phạt, anh được nhân viên tư vấn trấn an: “Thông tin đó chỉ ở trên mạng, bên em chưa thấy khách hàng phản ánh về vấn đề này, nếu có vấn đề gì, khách hàng cứ gọi điện cho phía ngân hàng…Có thể ngân hàng sẽ có phương án khác để tháo gỡ”.

Tuy vậy, khi anh Quang gặng hỏi: Phương án tháo gỡ đó là gì thì nhân viên tư vấn chưa trả lời được.

Chia sẻ với PV, anh Bùi Văn Chung (32 tuổi, Hà Nội) cho biết: Anh là một khách hàng của showroom Euro Auto của Công ty CP ô tô Âu Châu.

Anh Chung tiết lộ: Để mua được “xế sang”, ngoài số tiền mà anh tiết kiệm được từ nhiều năm chắt chiu, anh phải vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng với hạn mức 4 năm. Hiện trung bình mỗi tháng anh trả cả gốc và lãi cho ngân hàng gần 7 triệu đồng.

"Giấy tờ xe bản gốc do ngân hàng giữ, họ có đưa cho mình bản sao và có chứng nhận của ngân hàng, nhưng chỉ có hiệu lực 3 tháng. Cứ 3 tháng tôi sẽ phải lên ngân hàng để xác nhận lại", anh Chung tâm sự.

Vì vậy, hiện nay, mỗi lần tham gia giao thông, anh bảo: “tôi lo ngay ngáy mỗi lần gặp công an. Với sự “tréo ngoe” trên, khi đi đường, tôi chỉ sợ bị gọi dừng xe và bị phạt vì không có Giấy đăng ký xe (bản chính)”.

Mặc dù trước đó, ngày 31.5, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (C67), Bộ Công an đã có công văn gửi công an các tỉnh thành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng. Theo công văn này, sau khi trao đổi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), C67 hướng dẫn công an các địa phương đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một số ngân hàng vẫn khẳng định: Họ buộc phải giữ lại bản gốc của giấy tờ xe để “nắm đầu chuôi”, tránh rủi ro. “Chúng tôi chỉ đưa khách giấy đi đường bao gồm cam kết của ngân hàng và bản công chứng giấy tờ xe. Lâu nay việc này vẫn được duy trì. Còn nếu không được giữ giấy tờ gốc thì khách hàng phải có tài sản thế chấp khác như sổ đỏ…” - Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Hà Nội nhấn mạnh.

Thị trường ô tô trả góp có ảnh hưởng?

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hồng Nam, chuyên viên kinh doanh của Công ty TNHH Toyota Mỹ Đình – chi nhánh Cầu Diễn cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay hầu hết khách đến tìm mua ôtô đều là mua trả góp. Cứ 10 người mua xe thì có tới 4 – 5 người vay trả góp từ phía ngân hàng.

"Đa số khách chỉ vay 50% giá trị xe, nhưng cũng nhiều khách vay tới 70-80% giá trị xe", ông Nam nói.


10 người mua ô tô thì có tới 4- 5 người vay mua trả góp. Ảnh minh họa.

10 người mua ô tô thì có tới 4- 5 người vay mua trả góp. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia tài chính và phía ngân hàng đều nhận định rằng: Nếu không được giữ giấy tờ gốc để đảm bảo tài sản, thì việc cho vay mua ôtô trả góp theo hình thức thế chấp sẽ bị siết lại. Không ít người băn khoăn: Liệu thị trường mua ô tô trả góp có bị đổ vỡ?!

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nam cho biết: “Việc ngân hàng giữ lại bản gốc giấy tờ xe nhưng chủ xe khi ra đường dễ bị phạt khi tham gia giao thông - Đó là bất cập từ phía công an còn người mua trả góp vẫn hiểu vấn đề này và phải chấp nhận như thường”.

Đồng thời, ông Nam cũng khẳng định: “Vướng mắc trên không hề ảnh hưởng gì tới thị trường mua ô tô trả góp. Nó cũng không thể đổ vỡ được. Ngân hàng sẽ có biện pháp điều tiết với công an, 2 bên sẽ phải ngồi lại với nhau. Đó là “luật bất thành văn” từ trước tới nay rồi!”.

Xung quanh câu chuyện trên, có ý kiến cho rằng: Nhà nước nên sửa đổi luật để giải quyết vướng mắc. Bởi lẽ theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi NĐ 11/2012 của chính phủ) về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, công văn 2916/C67-P9 của Cục CSGT quy định các ngân hàng không được giữ cà vẹt bản gốc của khách hàng vay tiền và thế chấp tài sản là các phương tiện ô tô.

Tuy nhiên, quy định Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi NĐ 11/2012 của chính phủ) về giao dịch đảm bảo trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn khi thực thi trên thực tế và chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 320 tại BLDS 2015 về Nghĩa vụ của bên thế chấp “Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Cụ thể, khi bên nhận thế chấp không giữ Giấy chứng nhận đăng ký xe, bên thế chấp xe ô tô dễ dàng bán, gán nợ, cầm cố, thế chấp… xe ô tô đã được thế chấp hợp pháp tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác, vì khách hàng đã giữ cả xe và Giấy chứng nhận đăng ký xe.

Ngoài ra, xét trong các quy định của Bộ Luật dân sự 2015, việc giao nhận giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, cụ thể là phương tiện ô tô là do các bên có thỏa thuận, vì hiện nay, chưa có luật nào có quy định khác mà chỉ có quy định dưới dạng nghị định của Chính phủ (NĐ 163/2006/NĐ-CP).

Do đó, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng nên sửa đổi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được giữ (như Nghị định số 178/2000/NĐ-CP trước đây) hoặc đánh dấu trên Giấy chứng nhận đăng ký xe để bên thứ ba nhận biết được rõ ràng, rằng xe ô tô đang được sử dụng đã được dùng làm bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Từ đó, sẽ giúp phát triển lành mạnh và hiệu quả hoạt động ngân hàng trong điều kiện hiện nay.

Theo Dương Phương Ngọc
VietQ