Lịch sử bí ẩn của Rolex: Ra đời từ thoái trào một loại áo của các quý ông
(Dân trí) - Đầu thế kỷ XX, nhà sáng lập Rolex nhận ra kiểu áo gi-lê dành cho nam giới đã lỗi thời. Từ đó ông dự đoán thời đại của đồng hồ bỏ túi sẽ sớm chấm dứt.
Khi nhắc đến Thụy Sĩ, ai cũng biết đây là quốc gia chuyên sản xuất đồng hồ cao cấp danh tiếng nhất thế giới. Thế nhưng ít người biết cuối thế kỷ XIX, Thụy Sĩ là một trong những nền công nghiệp sản xuất đồng hồ quan trọng nhất thế giới nhưng vẫn chưa phải nơi đứng đầu.
Bước ngoặt thay đổi đến với đất nước này khi Thế chiến thứ I diễn ra cùng với sự ra đời của đồng hồ đeo tay. Người đóng vai trò lớn cho sự dịch chuyển này là Hans Wilsdorf, cha đẻ của thương hiệu đồng hồ Rolex.
Chiếc áo gi-lê lỗi thời
Trước thế kỷ XX, áo gi-lê là một trong những món đồ không thể thiếu với nam giới châu Âu. Ngành sản xuất đồng hồ bỏ túi cũng phát triển cùng xu hướng thời trang này.
Năm 1905, một doanh nhân Đức và một nhà đầu tư người Anh đã sáng lập nên Wilsdorf & Davis, một hãng kinh doanh đồng hồ có văn phòng tại Anh. Hans Wildsdorf vốn không phải là thợ làm đồng hồ nhưng lại là người rất nhạy bén với thời trang. Ông sớm nhận ra kiểu áo gi-lê dành cho nam giới đã lỗi thời. Từ đó, ông cũng dự đoán kỷ nguyên của đồng hồ bỏ túi sẽ sớm chấm dứt.
Hãng đồng hồ Wilsdorf & Davis đứng trước bài toán mới là phải tìm kiếm những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ có thể đeo trên cổ tay thay vì để trong túi áo như trước. Họ đã chọn một nhà cung ứng đến từ Thụy Sĩ được thành lập bởi Hermann Aegler. Tại đây, Wilsdorf tìm ra sản phẩm có đường kính chỉ 25 milimet, nhỏ hơn 10 milimet so với đồng hồ bỏ túi thông dụng.
Để duy trì nguồn cung từ Aegler, Wilsdorf chấp nhận ký hợp đồng trị giá 500.000 USD, lớn gấp 5 lần giá trị công ty. Năm 1908, ông đặt tên cho sản phẩm mới này là Rolex.
Tham vọng thay thế
Ban đầu, Aegler vẫn cung cấp nguồn hàng cho nhiều hãng sản xuất khác. Để trói buộc hãng cung ứng này với Rolex, các thỏa thuận chia sẻ cổ phần đã được ký kết giữa 2 bên. Wilsdorf & Davis trở thành nhà phân phối độc quyền của Aegler tại Anh.
Để hiện thực hóa giấc mơ thay thế đồng hồ bỏ túi bằng đồng hồ đeo tay, Wilsdorf vẫn cần giải quyết nhiều vấn đề.
Đầu tiên là chiếc đồng hồ này phải thích nghi với việc chuyển động nhiều hơn của cổ tay cũng như chịu nhiều áp lực hơn so với một chiếc đồng hồ bỏ túi. Rolex còn đối mặt với nhiều tác động từ môi trường như gió bụi, nước. Ngoài ra với thiết kế nhỏ hơn, độ chính xác của đồng hồ đeo tay cũng sụt giảm.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến, năm 1910, Wilsdorf tự tin đem chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên do mình sản xuất đến kiểm định tại Văn phòng Cục thẩm định đồng hồ tại Geneva, Thụy Sĩ. Giới chuyên gia vô cùng ngỡ ngàng khi hội đồng chỉ mới thẩm định các loại đồng hồ bỏ túi, đồng hồ bấm giờ đi biển. Sau 2 tuần kiểm định, Rolex nhận được chứng nhận đồng hồ bấm giờ. Sản phẩm này tiếp tục nhận được chứng nhận tương tự tại Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia vương quốc Anh.
Cú hích từ chiến tranh
Bước đột phá lớn nhất đối với đồng hồ đeo tay không phải là phát minh công nghệ mà là sự thay đổi nhu cầu thị trường do ảnh hưởng của chiến tranh.
Thế chiến I diễn ra với sự xuất hiện của xe tăng, máy bay chiến đấu, súng máy với độ chính xác cao. Đồng hồ đeo tay trở thành vật bất ly thân của các binh sĩ bởi có thể cứu tính mạng của họ.
Đồng hồ đeo tay được xem là thiết bị tối quan trọng nhằm điều động quân đội trên khoảng cách xa. Bên cạnh đó, binh sĩ cùng dùng nó để tính toán thời gian di chuyển của kẻ địch. Khi chiến tranh kết thúc, đồng hồ đeo tay đã trở thành biểu tượng của bản lĩnh đàn ông, và sản phẩm này lại được thiết kế ngày càng mạnh mẽ hơn qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, chủ trương bảo vệ nền công nghiệp nội địa và chiến tranh đã khiến mức thuế nhập khẩu tăng cao đối với đồng hồ Thụy Sĩ tại Anh. Điều này khiến Wilsdorf buộc phải chuyển hướng, tập trung vào các thị trường lục địa châu Âu. Mảng xuất khẩu được giao cho cơ sở sản xuất của Aegler tại Biel, Thụy Sĩ.
Sau chiến tranh, ông đóng cửa văn phòng tại London (Anh) và chuyển đến Geneva (Thụy Sĩ) để tập trung phát triển các loại đồng hồ tinh xảo. Việc chia tách 2 cơ sở sản xuất độc lập diễn ra đến năm 2004 khi Rolex Geneva mua lại Rolex Biel. Đến ngày nay, công đoạn sản xuất vẫn diễn ra tại Biel (Đức) trong khi công đoạn thiết kế mẫu mã, lắp đặt linh kiện vẫn thuộc về Geneva.