Lãnh đạo các thành phố lớn hiến kế “giải cứu” doanh nghiệp

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hà Nội kiến nghị kéo dài các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Chủ tịch TPHCM đề xuất tập trung quyết liệt “giải cứu” bất động sản ngay trong mùa khô này. Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu gỡ vướng trong việc thu hồi đất cho DN…

Lãnh đạo các thành phố lớn cùng lên tiếng trước hết trong phiên Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 sáng nay (25/12). Các “đầu tàu” kinh tế lớn nhất cả nước đều nhắm tới “nút thắt” khó khăn của DN.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, lạm phát năm 2012 đã được kiềm chế, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng chỉ giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm (-) trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước, đạt mục tiêu đề ra.
 
Lãnh đạo các thành phố lớn hiến kế “giải cứu” doanh nghiệp

Phiên họp cuối năm của Chính phủ mở rộng tổ chức trực tuyến tới 63 đầu cầu là các tỉnh thành.  
 
Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng cải thiện sau từng quý, GDP cả năm ước tăng khoảng 5,03%, tuy thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được nêu trên, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Bùi Quang Vinh cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cần tiếp tục được khắc phục.

Vấn đề nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với kế hoạch, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm; tồn kho còn ở mức khá cao; lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn…

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng xác nhận, tốc độ tăng trưởng của Thủ đô cũng giảm so với năm trước nhưng vẫn đạt mức cao hơn 1,5 lần so với tốc độ bình quân cả nước. Nếu không phải thực hiện Nghị quyết 13 về giãn giảm miễn thuế, thu ngân sách sẽ được thêm 13.000 tỷ nữa, đạt chỉ tiêu được giao (hiện đạt 95%).

Kết quả tích cực của Thủ đô là trong năm 2012 đã hoàn thành 4 cầu vượt. 30/12 tới đưa thêm 1 cầu vượt nữa vào lưu thông, góp phần giảm ùn tắc. Cả năm, thành phố đã khắc phục được 67/143 điểm đen tắc đường.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng (trái) phát biểu đầu tiên trong phần thảo luận.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng (trái) phát biểu đầu tiên trong phần thảo luận.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2013, dự kiến, GDP thành phố đạt 8-8,5%, kiềm chế lạm phát dưới mức 6,29%. Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo thành phố xác định biện pháp đầu tiên là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ông Tưởng kiến nghị, Nghị quyết về việc tháo gỡ khó khăn cho DN cần kéo dài thêm thời gian so với thời hạn 1 năm như Chính phủ xác định. Ông Tưởng gợi ý duy trì các biện pháp hỗ trợ đến hết 2014.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giải thích ngay, các giải pháp Chính phủ đề ra có 2 nhóm, 1 nhóm ngắn hạn, để thực hiện trong năm 2013, 1 nhóm dài hạn như chính sách miễn giảm lệ phí trước bạ, chủ trương cho vay tiêu dùng, vay bất động sản.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng xác nhận, năm 2012, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 10% nhưng thực tế chỉ đại 9,22% Tuy nhiên, chỉ số giá chỉ tăng 4,07% (thấp hơn năm ngoái).

1 tháng trước thành phố dự kiến chỉ đạt 92% so với kế hoạch được giao nhưng do tháng cuối cùng thành phố tập trung cùng Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, mức tổng thu đã đạt được chỉ tiêu 216.000 tỷ được giao (chiếm tỷ trọng 30% tổng thu cả nước).

Đánh giá cao hiệu quả của Nghị quyết 11 và 13 nhưng ông Quân cũng phân trần, cả 2 văn bản đều được ban hành vào thời điểm giữa năm (Nghị quyết 11 vào tháng 5/2011, Nghị quyết 13 tháng 5/2012) – đúng thời điểm bước vào mùa mưa, thời gian khó khăn nhất đối với TPHCM. Trong khi 2 quý quan trọng trong năm là quý I và quý IV đáng ra cần tập trung quyết liệt hơn.

“Quý IV năm nay, chỉ số tăng giá tiêu dùng đang ở mức rất thấp trong khi theo quy luật, thời điểm này CPI phải tăng mạnh. Điều đó chứng tỏ sức mua đã giảm rất lớn” – ông Quân phân tích và đề xuất tích cực giải quyết thị trường bất động sản, lĩnh vực tác động lớn đến nhiều ngành nghề khác. Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng NHNN, Bộ Tài chính cần cụ thể hóa, triển khai ngay các giải pháp “giải cứu” thị trường ngay trong mùa khô này để tạo điều kiện giải quyết các vấn đề khác.
 
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: Tăng GDP thấp hơn kế hoạch nhưng là mức tăng hợp lý.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh: "Tăng GDP thấp hơn kế hoạch nhưng là mức tăng hợp lý".

Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng Dương Anh Điền tán thành quan điểm xác định mục tiêu cho năm 2013 là tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho DN. “Vận” vào tình hình của Hải Phòng, ông Điền cho biết, nhiều DN đang vướng nhất trong vấn đề bố trí đất hoạt động, sản xuất.

Ông Điền phân tích, việc thu hồi đất cho DN đã được luật cho phép nhưng lại chưa rõ quy trình, thủ tục cụ thể. Chủ tịch thành phố cảng đề xuất Chính phủ hướng dẫn rõ quy trình cưỡng chế thu hồi đất.

Ngoài ra, việc hỗ trợ DN bằng cách giãn, giảm, miễn thuế, lãnh đạo Hải Phòng nêu quan điểm ủng hộ nhưng cũng phân trần, đây là nguồn thu quan trọng của địa phương, khi thực hiện, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ địa phương bù đắp phần… hụt thu.

Dự thảo Nghị quyết KTXH năm 2013 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu 9 nhóm giải pháp để hướng tới mục tiêu kìm giữ lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. “Điểm mắc” lớn nhất cần gỡ được xác định là DN khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng, hàng tồn kho của nhiều ngành vẫn cao, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại… Những nội dung này sẽ được Chính phủ cùng lãnh đạo các địa phương tiếp tục bàn thảo trong 2 ngày làm việc của phiên họp cuối năm (25, 26/12).

P.Thảo