Lãnh đạo các ngân hàng lớn bỏ Mỹ sang châu Á

(Dân trí) - Như một hệ quả của cuộc khủng hoảng tín dụng, ngày càng nhiều lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng đầu tư lớn rời bỏ Mỹ để tìm kiếm cơ hội tại châu Á.

Một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn tài chính hàng đầu châu Âu Credit Suisse (Thuỵ Sĩ) có lẽ là nhân vật mới nhất tham gia “đội quân” dịch chuyển này, khi quyết định rời vị trí công tác tại New York để chuyến tới Hồng Kông.

 

Thời gian gần đây, ở Mỹ và châu Âu diễn ra rất ít thương vụ mua bán doanh nghiệp lớn, vì những biến động trên thị trường tài chính khiến các doanh nghiệp khó “xoay” vốn.

 

Trong khi đó, hoạt động này vẫn diễn ra khá sôi động ở châu Á, nổi bật nhất là các công ty Trung Quốc và doanh nghiệp tư nhân nước ngoài.

 

“Chạy theo đồng tiền”

 

Theo tập đoàn công nghệ Dealogic, chuyên cung cấp giải pháp IT cho ngành ngân hàng, số vụ mua bán của các công ty tư nhân ở châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng 15% trong quý 1/2008, trong khi tổng số trên toàn thế giới giảm.

 

Ông Vikram Gandhi, Giám đốc Công ty định chế tài chính toàn cầu - thuộc Credit Suisse, sẽ chuyển sang Hồng Kông để giám sát hoạt động tài chính doanh nghiệp của công ty tại khu vực này, trong khi vẫn điều hành hoạt động tại Mỹ.

 

Credit Suisse là nhà tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Dealogic cho biết năm nay, Credit Suisse đã tham gia vào các hợp đồng mua bán trị giá lên tới 12,5 tỷ USD.

 

Trước ông Gandhi, lãnh đạo của một số tập đoàn tài chính lớn như JP Morgan, Goldman Sachs và Blackstone cũng đã chuyển sang châu Á làm việc trong vài tháng trở lại đây.

 

Một giảng viên của Đại học kinh doanh Cass (Anh quốc), người từng giữ vị trí lãnh đạo tại Deutsche Bank và Morgan Stanley, ông Scott Moeller, cho rằng: “Lãnh đạo các ngân hàng đầu tư đang chạy theo đồng tiền, vì nguồn tài chính ở đây vẫn dồi dào và vì châu Á ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi thị trường Mỹ và châu Âu đang ảm đạm. Không có gì đáng ngạc nhiên trước xu hướng.”

 

Cạnh tranh thị trường

 

Khi lợi nhuận từ hoạt động ngân hàng đầu tư sụt giảm nghiêm trọng tại Mỹ và châu Âu do tác động của khủng hoảng tài chính, các tập đoàn chuyển hướng sang châu Á, nơi nhiều doanh nghiệp Hồng Kông và Trung Quốc đang có nhiều tiền mặt, do vừa huy động vốn từ việc niêm yết cổ phiếu trong thời gian gần đây.

 

Giáo sư Moeller cho rằng sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc và sự hấp dẫn của thị trường tài chính Hồng Kông là cơ sở để tin rằng xu hướng dịch chuyển nhân sự cấp cao này sẽ tiếp diễn ngay cả khi các thị trường tài chính lớn ở Mỹ và châu Âu trở lại bình thường.

 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng về dài hạn Hồng Kông hay Thượng Hải có thể vượt Paris hay Frankfurt, nhưng không thể vượt London và New York, trong vài trò là trung tâm tài chính toàn cầu.

 

Chỉ số trung tâm dịch vụ tài chính toàn cầu đã xếp hạng Hồng Kông đứng thứ 3 thế giới , sau London và New York.

 

Đặng Lê

Theo BBC