Làng nghề Việt trong cơn đại khủng hoảng

(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng, từ ngày 25 - 29/3, 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc Trung Nam sẽ tụ hội về Đà Nẵng và ra mắt các sản phẩm truyền thống cho nhân dân chiêm ngưỡng.

 
Làng nghề Việt trong cơn đại khủng hoảng - 1
Đông đảo du khách đến thăm làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam).

Làng nghề điêu đứng

Ngày 11/2/2009, Bộ NN&PTNT đã tổ chức một hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho làng nghề trong thời gian sớm nhất, đồng thời Bộ cũng đề ra 4 biện pháp để vực dậy làng nghề.

Trước đó, trong kế hoạch Chính phủ cũng đã trích 25% trong gói kích cầu 17.000 tỉ đồng (tương đương 4.000 tỉ đồng) để hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề.

Theo ước tính, nước ta có khoảng hơn 2.000 làng nghề gồm 1,4 triệu hộ và khoảng 14 triệu lao động tham gia sản xuất, mức thu nhập của lao động làng nghề cao hơn khoảng 3 - 4 lần so với lao động nông nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu từ làng nghề đạt khoảng 1 tỉ USD, trong đó mặt hàng thủ công mỹ nghệ chiếm chủ lực trong cơ cấu sản xuất của làng nghề.

Thế nhưng trong cuộc suy thoái kinh tế lần này, làng nghề Việt cũng rơi vào tình trạng điêu đứng vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ với số lượng hạn chế do người tiêu dùng dè sẻn trong chi tiêu.

Theo Hiệp hội làng nghề, trong năm 2009 sẽ có khoảng 5 triệu lao động làng nghề mất việc làm (kể cả công nhân thời vụ), trong đó các ngành như gốm sứ, mây tre, đan lát… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Có doanh nghiệp trước đây có khoảng 1.000 lao động nhưng nay còn lại chỉ 1/3 và sản xuất cầm chừng. Ông Lê Huy Thanh, Phó Chủ tịch Hội gốm sứ Bát Tràng cho biết: Do sức mua của nước ngoài giảm nên rất nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc.

Không chỉ làng gốm Bát Tràng mà các làng nghề khác cũng chịu cảnh tương tự. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam thì hiện nay, 60% doanh nghiệp làng nghề hoạt động cầm cự, 20% thoi thóp, 20% phá sản.

Chung tay xây dựng làng nghề Việt

Làng nghề không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung mà còn là cái nôi của văn hóa của người Việt, là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, nghệ thuật và truyền từ đời này sang đời khác.

Hơn nữa, đây là nơi đào tạo nên các thế hệ nghệ nhân, đồng thời là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng vùng miền, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc. Do đó, đưa làng nghề ra khỏi khủng hoảng là việc làm của cả cộng đồng.

Để vực dậy làng nghề cần phải có sự tham gia của mọi ngành, mọi cấp và nhất là lực lượng lao động trong các làng nghề. Trong số 4.000 tỉ đồng kích cầu mà Chính phủ phê duyệt cho làng nghề cần phân bổ hợp lý, công khai và không nên để xảy ra tiêu cực.

Mặt khác Chính phủ cũng nên có biện pháp hỗ trợ khác như giảm thuế thu nhập cho DN, vay tín chấp, hỗ trợ vốn vay ưu đãi 100%... để tạo nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Muốn làm được điều này doanh nghiệp phải đẩy mạnh nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng nội địa, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm để đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng…

Ngoài ra, các Hiệp hội làng nghề cần tăng cường quản bá thương hiệu thông qua các kỳ hội chợ, triễn lãm, lễ hội nhằm tôn vinh làng nghề Việt. Đây là những cơ hội để làng nghề quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Không phải qua một festival mà làng nghề có thể vượt qua giai đoạn suy thoái nhưng với nỗ lực của những người tổ chức đã cho thấy làng nghề Việt có một sức sống bền bỉ không chỉ tạo ra sản phẩm cho xã hội mà nó còn góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Công Bính