Làng nghề rang tẩm châu chấu độc nhất Việt Nam
Châu chấu tươi sau khi đem về phải trải qua nhiều công đoạn chế biến, với hàng trăm người tham gia vặt cánh, cấu càng. Có cả một làng mà ở đó, hầu hết người dân đều tham gia “cấu chấu”.
Đối với những người dân ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, công việc bắt châu chấu và chế biến đã trở thành một nghề. Nghề này có từ 20 năm nay.
Cứ 14h hàng ngày, vợ chồng anh Huấn, chị Hoa (Lê Thanh, Mỹ Đức), bắt đầu ra khỏi nhà, đi 30km đến cầu Đồng Văn (Hà Nam) nhận hàng từ xe khách tuyến Nghệ An, Thanh Hóa chuyển ra. Mỗi thùng xốp đựng châu chấu ướp lạnh nặng khoảng 40 kg.
Khoảng 17h giờ, châu chấu về đến nơi. Nếu nhiều hàng, anh Huấn lại đi chở thêm chuyến nữa. Ở nhà, chị Hoa nhóm bếp, đun nồi nước to để luộc châu chấu.
Trong thời gian chờ nước sôi, chị Hoa mở thùng xốp ra, châu chấu vẫn tươi do được ướp đá lạnh. Chỉ thời gian ngắn sau khi đá tan, châu chấu sống lại như bình thường. Chị Hoa đem châu chấu đi rửa sạch.
“Công đoạn luộc rất quan trọng, châu chấu sẽ cứng hơn, loại bỏ được mọi chất tanh”, chị Hoa nói.
Luộc chừng 5 phút, chị Hoa vớt châu chấu rồi đổ ra để nguội. Lúc này, châu chấu ngả màu vàng nhạt. Chị sàng sẩy để nhặt ra châu chấu non, con già sẽ phải cấu cánh và cấu càng.
Công đoạn cấu càng, cấu cánh, người dân quen gọi là “cấu chấu”, cần rất nhiều người làm.
Có rất nhiều cách chế biến món châu chấu, nhưng nhiều người chuộng nhất là châu châu chiên lá chanh. Ban đầu, rang qua với dấm ớt để châu chấu được giòn, sau đó vớt ra, đảo với mỡ lợn. Khi châu chấu chín vàng, bắc ra rắc thêm lá chanh.
Vì thế, khoảng 18h, người dân làng Lê Thanh đổ đến nhà chị để nhận châu chấu về làm. Công việc này đã trở nên quen thuộc tại đây. Chỉ với 5 hộ buôn bán châu chấu, hàng trăm người khác đã có việc làm.
“Cấu” 1 kg châu chấu được trả công 5.000 đồng. Trung bình, mỗi người có thể cấu được khoảng 5 kg, hết 3 tiếng đồng hồ mỗi tối.
Chị Xoan - giúp việc cho vợ chồng chị Hoa, anh Huấn - cho biết, sơ chế châu chấu có nhiều công đoạn lắt nhắt, cần mẫn, kiên trì.
Tuy châu chấu đã luộc qua, khi cấu, mùi tanh của nó vẫn còn. Ngồi “cấu” hàng tiếng đồng hồ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Nhưng với người dân Lê Thanh, công việc này trở nên quen thuộc suốt 20 năm nay.
“Nghề này phải ăn ngủ cùng châu chấu. Từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau, không lúc nào tôi được ngơi tay. Nhưng ngày nào không có hàng để làm cảm rất thấy nhớ”, chị Xoan nói thêm.
Ngày nào cũng vậy, công đoạn “cấu chấu” phải kết thúc trước 11h00 đêm. Lúc này, anh Huấn và chị Xoan chở hàng tạ châu chấu đã qua sơ chế đến chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) để bán, nhanh cũng phải 3h sáng mới hết. Từ đây, châu chấu tỏa đi khắp các chợ dân sinh hay đổ trực tiếp cho các quán nhậu.
Mỗi 1 kg chấu tươi có giá tầm 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi sơ chế, bán lại với giá 90.000 đồng/kg. “Có thời điểm, thị trường châu chấu khát hàng, giá còn lên đến 130.000 đồng/kg”, anh Huấn chia sẻ.
Anh Huấn tâm sự, sau khi trừ vốn, chi phí nhân công, chỉ lãi được 6.000 đồng/kg. Nếu một ngày sơ chế đủ 2 tạ hàng, thu nhập hàng tháng vợ chồng anh khoảng 30 triệu đồng.
Chị Hoa rửa châu chấu trước cho vào luộc
Luộc châu chấu để loại bỏ bớt mùi tanh
Châu chấu được vớt, đổ ra sân cho nguội
Chị Hoa sàng sẩy, lọc châu chấu non. Châu chấu già được mang đi cấu cánh
Người dân Lê Thanh đến nhận châu chấu về làm
Theo Tuấn Linh
VietnamNet