Làng "đồng nát quý tộc" chơi đồ cổ
Với con mắt tinh tường, những người mua đồng nát làng Hải Minh (Nam Định) chuyên tăm tia đồ cổ, các vận dụng cũ như gốm sứ, đồ gỗ của những gia đình giàu có thời xưa. Cũng là đồng nát, nhưng họ là đồng nát cao cấp, đồng nát quý tộc và nhờ vậy họ sở hữu được nhiều cổ vật quý giá hàng tỷ đồng.
Là một trong 4 làng buôn bán đồng nát phế liệu của nước ta, xã Hải Minh (huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định) còn nổi tiếng bởi thú chơi đồ cổ. Thú chơi tao nhã và tốn kém này lại xuất phát từ chính nghề đồng nát của họ.
Làng tỷ phú đồng nát
Trong 3 làng buôn bán đồng nát phế liệu nổi danh còn lại là Quan Độ (Bắc Ninh), Triều Khúc (Hà Nội), Diễn Tháp (Nghệ An) thì có lẽ chỉ có Diễn Tháp mới sánh được với Hải Minh (Nam Định) về sự sầm uất và giàu có. Nếu như ở Diễn Tháp, hầu hết các tỉ phú đều nhờ nghề buôn bán đồng nát bên Lào, thì ở xã Hải Minh họ lại giàu có nhờ việc buôn “đồng nát quý tộc”.
“Đồng nát quý tộc” là cách mà người xã Hải Minh nói, bởi công việc buôn bán đồng nát của họ không phải thu gom sắt vụn, lông gà lông vịt… mà chỉ mua những vật dụng đã cũ hỏng của những nhà giàu có thời xưa. Những chiếc đồng hồ thời Pháp, những chiếc long sàng quý giá, và cả những vật dụng gốm sứ vào hàng gia bảo… của những gia đình giàu có mà sa cơ lỡ vận; hay những gia đình không biết và không nhận ra sự quý giá của những vật dụng cũ trong nhà.
Đó là tiêu chí mua bán của những người làm nghề đồng nát ở Hải Minh. Gặp thời, những vật dụng họ mua về trở thành những cổ vật vô giá. Và họ giàu, rồi quy tụ về đây những tay buôn đồ cổ nổi tiếng khắp cả nước. Vốn là một huyện nằm ven biển với tính chất thuần nông, người dân quanh năm chỉ biết có cây lúa, đánh bắt thủy hải sản. Từ mấy chục năm trước, khi biết đến nghề buôn bán đồng nát, thì cuộc sống của họ thay đổi.
Giờ đây, Hải Minh giống như một khu đô thị thu nhỏ. Những ngôi biệt thự san sát nhau, những nhà hàng, cửa hàng nườm nượp khách. Giá đất ở Hải Minh đắt chẳng kém gì ở thành phố lớn. Theo tổng kết của người dân nơi đây, cả xã Hải Minh có gần 100 tỉ phú chuyên nghề đồng nát. Đồng thời, 100 tỉ phú đó cũng là 100 tay chơi đồ cổ nổi tiếng Nam Định, họ còn là những đầu mối thu mua hoặc rao bán những món đồ cổ mà bất kỳ dân chơi đồ cổ nào cũng phải ao ước.
Nghề ăn theo phục vụ đồ cổ
Có thể điểm mặt một số cổ vật nổi bật mà ai cũng biết như bộ tam khẩu bình của anh Trần Văn Lưu, giá sơ sơ trên 1 tỉ đồng hay bộ ghế khánh của anh Trần Văn Sơn, 1 tỉ đồng đừng mong mua được. Vượt trội lên tất cả là cái đĩa Huế tích “Khánh xuân thị tả” của anh Kim được giới chơi định giá gần 2 tỉ đồng.
Rất nhiều chủng loại đồng hồ cổ được người Hải Minh sưu tầm
Ông Hoàng Văn Hiến, Phó Chủ tịch xã Hải Minh, cho biết nghề đồng nát của địa phương đã có từ mấy chục năm trước. Tuy nhiên, nghề ban đầu xuất phát từ cuộc sống nghèo khó, và những người buôn đồng nát chỉ đi vào những ngày nông nhàn. Nhưng rồi khoảng hai chục năm trở lại đây, Hải Minh trở thành làng đồng nát xuyên quốc gia, dọc ngang khắp Bắc - Trung - Nam với những hội nhóm đông đảo, mạnh nhất là hội của dân xóm 9 với hàng trăm người. Có gia đình 3 thế hệ cũng rong ruổi với nghề, bố dạy cho con, con dạy cho cháu.
Khác với đồng nát lông gà, lông vịt, họ là đồng nát cao cấp, đồng nát quý tộc với con mắt tinh tường, chuyên tăm tia đồ cổ. Chuyện một đồng nát xóm 9 mua một đầu tượng Chăm cổ giá vài triệu đồng, không ngờ nó bằng vàng nên về bán được 180 triệu đã là một thứ thuốc kích thích cực mạnh thôi thúc nhiều con em Hải Minh quang gánh lên đường.
Không dừng ở việc đồng nát chỉ mua những đồ kim khí, người Hải Minh còn mua các vật dụng cũ như gốm sứ, đồ gỗ của những gia đình giàu có thời xưa. Cũng nhiều gia đình không hiểu hết giá trị cổ vật mình có nên bán với giá rẻ. Người Hải Minh mua hết. Dù mua trong Nam ngoài Bắc hay mua tận nước ngoài thì cũng đều đem về Hải Minh. Những vật dụng như đồng hồ cổ bị hỏng, họ có một đội ngũ chuyên sửa chữa. Con ốc nào mất họ sẽ tìm cho được một con ốc tương ứng cả về kích thước lẫn thời gian để chiếc đồng hồ ấy có giá trị nhất.
Thế cho nên ở Hải Minh hình thành nhiều nghề chỉ để phục vụ đồ cổ. Người chuyên sửa chữa, người chuyên buôn bán, người chuyên thu gom; và thậm chí có cả những người chuyên nghề thẩm định chất lượng và thẩm định giá. Tại khu Tân Tiến, trung tâm xã Hải Minh, có hàng chục cửa hàng buôn bán đồ cổ nằm san sát, trưng bày hàng trăm món từ đồng đến sành sứ, nhiều món giá trị vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Long sàng đế vương
Ở Hải Minh, nhiều tay chơi đồ cổ có những món thuộc hàng độc nhất vô nhị. Như ông Vương Văn Thực có chiếc “long sàng đế vương” nạm tới 86 viên ngọc trai và vô vàn trai, ốc quý hiếm.
Nhiều người còn kể rằng, chiếc long sàng này có khả năng chữa được một số loại bệnh hiểm nghèo vì nó được thiết kế theo “âm dương ngũ hành”. Tương truyền, chiếc giường này có xuất xứ từ Trung Quốc, là "long sàng” của một vị vua dưới triều nhà Thanh tặng cho vua nhà Nguyễn.
Chiếc long sàng của ông Phú được cho là của một vị vua triều Thanh tặng vua nhà Nguyễn
Bởi thế, những miếng đá trên giường và toàn bộ ngọc quý đều được xếp theo thuyết ngũ hành tương sinh, tương khắc giúp cho người nằm lên đó được an thần, ngon giấc, tràn trề sinh lực. Ông Phú cho hay, long sàng được mua tại Cần Thơ vào năm 1997 với giá 14 cây vàng. Long sàng hoàn toàn được làm bằng gỗ trắc, có chiều dài 2,7m, bề ngang 1,71m, chỗ dày nhất của thành giường lên tới 50cm.
“Từ lúc có giường này đến nay vợ chồng tôi mới ngủ trên đó có hai lần, nhưng khi nằm lên đó là không biết gì trời đất nữa. Ngủ rất sâu, rất ngon và khi tỉnh dậy thì rất nhẹ nhàng, khoan khoái. Vì nằm ở đó ngủ sâu quá, sợ ngủ mê không ai trông nhà nên chúng tôi không dám ngủ nhiều”, ông Phú kể chuyện.
Từ khi sở hữu chiếc long sàng này, nhiều người đã trả giá hàng tỉ đồng nhưng ông Phú không bán. Ông bảo: “Mỗi người chơi đồ cổ đều giữ cho mình vài ba món quý giá nhất. Tôi thì ngoài bộ tượng gỗ cổ thì chỉ có chiếc long sàng này là đáng để thiên hạ chiêm ngưỡng”.
Theo Kiều Hưng
An ninh Thủ đô