Làn sóng tăng lãi suất huy động VND chưa ngừng
(Dân trí) - Nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng cao là nguyên nhân làn sóng đua tăng lãi suất huy động VND từ đầu tháng 5 tới nay chưa có điểm dừng. “Đỉnh” lãi suất huy động hiện ghi nhận ở mức 9,7%/năm.
Nhiều dự báo cho rằng lãi suất huy động sẽ còn tăng (ảnh: Hữu Nghị).
Lãi suất huy động đã lên 9,7%/năm
Theo biểu lãi suất huy động VND mà các ngân hàng thương mại công bố thời gian qua, có thể thấy mặt bằng tiền gửi tiết kiệm xoay quanh mốc 9%/năm. Mốc lãi suất này được xem là khá hấp dẫn đối với những đồng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Sau một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động tuần trước, tuần này thị trường ngân hàng ghi nhận thêm những cái tên như: TienPhongBank với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,6% dành cho kỳ hạn 36 tháng (tăng 0,75%), kỳ hạn hai tuần tăng 1,4% so với biểu lãi suất cũ, lên mức 5%...; Ngân hàng Quốc Tế (VIB) phát hành chứng chỉ tiền gửi đối với loại tiền VND cho khách hàng là các tổ chức, các nhân với tổng mệnh giá lên đến 1.000 tỷ đồng, trong đó lãi suất với kỳ hạn 36 tháng lên tới 9,1%/năm.
Cũng với kỳ hạn 36 tháng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) áp dụng mức lãi suất cao nhất 9,5%/năm. Tuy nhiên, “đỉnh” lãi suất huy động VND thời gian này đang thuộc về Ngân hàng An Bình với mức tăng từ 0,1 - 0,9%/năm.
Cụ thể, với kỳ hạn 18 tháng, người gửi tiền được hưởng lãi suất 9%/năm; 24 tháng: 9,2%/năm; 36 tháng: 9,4%/năm; 60 tháng: 9,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng có thể hưởng lãi suất 9,7%/năm khi gửi tiết kiệm bậc tháng với kỳ hạn dài và số tiền lớn.
Như vậy, với mức “đỉnh” 9,7%/năm hiện nay, lãi suất huy động VND chỉ còn cách trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có 0,8%. Trong khi, để bảo đảm ngân hàng hoạt động có lãi, mức chênh giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động phải từ 2,5 - 3%/năm.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, để bù đắp khoản thiếu hụt đó, họ “tìm” nguồn thu ở kênh cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà... Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay thoả thuận thời gian gần đây đã lên tới 12 - 15%/năm.
Đón lãi suất cơ bản tăng?
Nói về biểu lãi suất huy động mới, ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của An Bình cho hay: Nền kinh tế bắt đầu chuyển động tích cực, nhu cầu về tiền VND ở khu vực ngân hàng gia tăng và kết quả tự nhiên là các ngân hàng phải đẩy mạnh nguồn huy động.
Tăng lãi suất huy động VND là một trong những giải pháp của các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay, giữ chân khách hàng.
Đại diện Maritime Bank cho biết, mục đích của đợt tăng lãi suất tiền gửi lần này là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của ngân hàng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khởi sắc, giá vàng liên tiếp lập kỷ lục mới, bất động sản có dấu hiệu ấm lên, tăng lãi suất huy động VND cũng là cách gia tăng quyền lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm đón đầu việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản cho tháng 6 tới.
Nhóm ý kiến này chỉ ra rằng: Dư nợ cho vay trong tháng 4 của hệ thống ngân hàng (ước tăng 4,86% so với cuối tháng trước và tăng 11,16% so với cuối năm trước) cao hơn vốn huy động (tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng 4 ước tăng 3,74% so với cuối tháng trước và tăng 9,88% so với cuối năm trước); nguồn vốn đẩy ra nền kinh tế ngày một nhiều hơn và ngân hàng rộng cửa cho vay tiêu dùng thì nguy cơ lạm phát là điều khó tránh khỏi.
Trên thực tế, giá cả các mặt hàng, chỉ số giá tiêu dùng liên tiếp tăng trong mấy tháng qua càng làm những dự đoán về nguy cơ lạm phát có thêm cơ sở. Để đối phó với lạm phát, tăng lãi suất tiền gửi VND là một trong những phương thức hữu hiệu.
Thế nhưng, đứng về góc độ ngân hàng, ông Đàm Thế Thái cho rằng: “Lãi suất cơ bản nên duy trì trong thêm ít nhất 1 quý nữa; để đảm bảo chi phí lãi vay của hệ thống doanh nghiệp như hiện nay, không gián đoạn các kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng.
Theo tôi, lãi suất cơ bản tăng khi và chỉ khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế thực sự tốt, đủ để các doanh nghiệp chịu đựng được mức chi phí lãi vay ở mức độ cao hơn”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bày tỏ quan điểm: Lãi suất huy động VND tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, kéo giá cả tăng cao. Đối phó với lạm phát không nhất thiết phải tăng lãi suất cơ bản để làm “chuẩn” cho lãi suất huy động và cho vay. Việc mà Ngân hàng Nhà nước cần làm trong bối cảnh hiện nay là hạ lãi suất cấp vốn và lãi suất chiết khấu cho khối ngân hàng thương mại.
Nguyễn Hiền