1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Làn sóng ngân hàng ngoại trước “giờ G”

Thời điểm 1/4/2007 đã gần kề, lượng hồ sơ xin lập ngân hàng ngoại tại Việt Nam đang dày thêm trên bàn Ngân hàng Nhà nước. Đã có ít nhất 3 bộ hồ sơ xin lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và 7 bộ hồ sơ xin lập chi nhánh trực thuộc.

Thời điểm 1/4/2007 đang đến gần, các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam về lĩnh vực ngân hàng bắt đầu có hiệu lực; theo đó nhà đầu tư được lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Lượng hồ sơ gửi về Ngân hàng Nhà nước bước đầu cho thấy một thời kỳ sôi động mới và cũng cho thấy hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đang là một tâm điểm hấp dẫn đầu tư.

Tuy nhiên, không phải muốn là được.

Về nguyên tắc cam kết WTO, Việt Nam không cấm thành lập ngân hàng, chi nhánh ngân hàng mới đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng Việt Nam được áp dụng những rào cản mang tính kỹ thuật, an toàn đối với một lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm này.

Cụ thể, để thành lập một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư phải có mức vốn tối thiểu là 15 triệu USD; với ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, mức vốn tối thiểu là 70 triệu USD (theo tỷ giá hiện nay).

Một điều kiện khác đáng chú ý là muốn lập một ngân hàng con thì ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản có ít nhất 10 tỷ USD.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng cần nhìn nhận rõ khái niệm “ngân hàng con” để xác định rằng có ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Tức là ngoài điều kiện tổng tài sản có ít nhất 10 tỷ USD nói trên, nhà đầu tư đó phải có hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng trước khi vào Việt Nam.

Về những rào cản trên, bước đầu Ngân hàng Nhà nước đã có sự sàng lọc khá khắt khe. Và ngay những bộ hồ sơ đang nằm trên bàn Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu.

Về vốn của ngân hàng con, nhà đầu tư có thể có 51% vốn, phần còn lại có thể huy động từ các nhà đầu tư khác. Nhưng quy định về tổng tài sản có tối thiểu 10 tỷ USD là điều kiện khá cao. Hiện có một ngân hàng của Mỹ đã nộp hồ sơ lập ngân hàng con tại Việt Nam nhưng chưa được cấp phép vì chưa đáp ứng được yêu cầu này, khi tổng tài sản có mới chỉ đạt 8 tỷ USD.

“Họ đã nhiều lần xin gặp để giải trình, để chứng minh năng lực của mình, đặc biệt là về thế mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nói gì thì nói, khi nào anh đảm bảo được mức tối thiểu 10 tỷ USD đó thì mới có thể bàn tiếp”, vị lãnh đạo trên nói.

Một cách cụ thể hơn, để đáp ứng được yêu cầu 10 tỷ USD đó, nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài phải có quy mô ít nhất cũng phải tương đương với 4 ngân hàng quốc doanh trong nước (ngoại trừ Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL).

Một trường hợp khác là General Electric, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới của Mỹ, cũng không thể toại nguyện khi vạch kế hoạch thành lập ngân hàng tại Việt Nam. General Electric không phải là “ngân hàng mẹ”, vì chưa chứng minh được mình đã hoặc đang có hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.

General Electric là tập đoàn lớn, thương hiệu lớn và uy tín; chỉ riêng lợi nhuận mỗi năm cũng đủ đáp ứng tới 10 lần yêu cầu về tổng tài sản có mà Việt Nam đưa ra. Nhưng chỉ khi nào General Electric chứng minh được đã có thâm niên hoạt động ngân hàng thì khi đó mới có thể được lập ngân hàng tại Việt Nam.

Ngoài ra, nếu General Electric, cũng như những nhà đầu tư khác, chứng minh được điều kiện trên thì vẫn còn phải đáp ứng một điều kiện khác nữa. Đó là một ngân hàng của một quốc gia nào muốn vào hoạt động tại Việt Nam thì phải có văn bản hợp tác giảm sát giữa hai nước; trên cơ sở đó mới có thể cấp phép.

Về những bộ hồ sơ đã gửi đến, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xét duyệt công bằng, cụ thể và minh bạch theo quy định hiện hành. Và sau 1/4/2007, chắc chắn sẽ có thêm những gương mặt mới, thị trường ngân hàng sẽ thêm sôi động.

Theo Hoàng Đạt
VnEconomy