Lần đầu tiên Việt Nam "cán" mốc 500 tỷ USD xuất-nhập khẩu

(Dân trí) - Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2019. Với tiến độ như hiện nay, Bộ Công Thương cho rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Lần đầu tiên Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD xuất-nhập khẩu  - 1
Lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời PV tại buổi họp báo. Ảnh: N.M.

 
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (12/12), ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương - cho biết: 11 tháng năm 2019, xuất khẩu đạt gần 242 tỷ USD, trong khi nhập khẩu gần 231 tỷ USD, tổng kim ngạch đạt khoảng 472 tỷ USD.

Với tiến độ như hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, kết quả đạt được là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin việc cơ quan này sẽ sửa Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Về một số nội dung được dư luận quan tâm như quỹ bình ổn giá xăng dầu,  Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết quan điểm Ban soạn thảo là hướng đến việc giữ quỹ bình ổn, điều tiết thị trường trong thời gian tới.

Ngoài ra, Nghị định 83 cũng được sửa đổi theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến việc đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, "cởi bỏ" điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng.

Một vấn đề khá “nóng” thời gian qua cũng được lãnh đạo Vụ thị trường trong nước đề cập đó là nguồn cung thịt lợn khan hiếm.

Theo đó, đối với vấn đề đảm bảo cung cầu thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên 63 tỉnh thành, Bộ Công Thương đã làm việc với các địa phương, các tỉnh biên giới để đưa ra giải pháp, chuẩn bị nguồn cung và đảm bảo cung ứng trong năm 2019.

Dự kiến từ nay đến cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn nên để đảm bảo nguồn cung, mặt hàng thịt heo được đưa vào chương trình bình ổn, cung cầu thị trường.

Bộ Công Thương cũng cho biết đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, trên cơ sở theo dõi tình hình địa phương, phân tích tình hình nhu cầu nội tại, cân đối tham mưu các UBND tỉnh/thành phố, đảm bảo nguồn cung, kể cả vấn đề nhập khẩu.

Nguyễn Mạnh