Làm thế nào để trao cho người nông dân chiếc “chìa khóa vàng” trong nông nghiệp?
(Dân trí) - Sáng 15/05/2019, Đại hội Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) nhiệm kỳ II (2019-2024) đã diễn ra tại Hà Nội. Tại Đại hội, 236 hội viên là các đơn vị và cá nhân trong cả nước đã có những thảo luận quan trọng và đi đến định hướng quan trọng cho Hiệp hội nói riêng và cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung trong giai đoạn tiếp theo.
Đại hội vinh dự có sự tham gia của ông Phạm Mạnh Cường -Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Văn phòng chính phủ; ông Nguyễn Quang Tín - phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường – Bộ Nông nghiệp và PTNN, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Kết quả nổi bật nhất của Đại hội là tìm ra “chiếc chìa khóa vàng” để giải bài toán đầu tư vào nông nghiệp và đưa người nông dân vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn để phục vụ sức khỏe cộng đồng cho gần 100 triệu người dân Việt Nam và hướng tới xuất khẩu ra các thị trường trọng điểm.
Trong 6 năm kể từ khi thành lập ngày 28/02/2013, ATE đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, thúc đẩy các đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành và đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu.
Trước đây, tại Hội nghị Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là việc làm bức thiết, nhằm từng bước đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô tính chất nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ “phát triển mà không để bất kỳ một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, Đại hội Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ngày 15/05/2019 đã đề ra định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2019-2024. Một trong những mục tiêu của Hiệp hội trong thời gian tới là mở rộng mạng lưới hội viên, trong đó các doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hợp tác xã có nhu cầu đổi mới ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội, từ đó, hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ về “sớm chuyển 3,5 triệu hộ cá thể ở nông thôn đi cùng với các doanh nghiệp. Thiếu vai trò của doanh nghiệp sẽ khó hình thanh một nền sản xuất quy mô lớn của nông nghiệp Việt Nam” (Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN, 18/12/2016).
Phát biểu tại Đại hội, Bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn chiến lược của Tập đoàn TH – một điển hình cho việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thành công – cho biết: “Một nền nông nghiệp Việt Nam vốn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu mà đưa được công nghệ cao vào là một thành tựu to lớn. Trong ngành sữa, sau 5 năm ATE đã đi cùng các doanh nghiệp, đưa Việt Nam từ vị trí vô danh đã trở thành có tên trên bản đồ sữa thế giới, có trang trại tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á được chứng nhận kỷ lục năm 2015 (trang trại TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An), có những sản phẩm chất lượng được thế giới công nhận, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Và bây giờ công nghệ cao được đưa cả vào quy mô nông hộ, doanh nghiệp đưa cả người nông dân đồng hành cùng mình trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững”.
Hiệp hội các Doanh nghiệp ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao. Hiệp hội hiện có 236 thành viên gồm 61 đơn vị, 175 cá nhân.
Mục đích của Hiệp hội là:
- Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm “sạch” có năng suất cao, chất lượng tốt không chỉ xuất khẩu mà còn phục vụ cho chính người tiêu dùng Việt Nam;
- Xây dựng một ngành nông nghiệp phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh;
- Sử dụng và khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có: đất đai, rừng, biển…;
- Cải tạo và khắc phục những hạn chế của việc sản xuất nông nghiệp truyền thống: đất đai bạc màu, xói mòn, hoang hóa…Bảo vệ môi trường và tạo ra một môi trường sống phát triển bền vững cho con người;
- Nghiên cứu khoa học, thông tin kinh tế, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, áp dụng kỹ thuật mới;