Lạm phát tăng là do… dự báo yếu kém
Tốc độ tăng giá nhiều mặt hàng leo thang chóng mặt khiến cho mức sinh hoạt của nhiều gia đình bị lâm vào khó khăn. Đối phó với cơn sốt giá, lạm phát tăng cao, Chính phủ ban hành một loạt giải pháp song tình hình vẫn không khá hơn.
Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - Trần Du Lịch, đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Việc giá tăng trở lại bất chấp các nỗ lực và giải pháp của Chính phủ trong tuần qua, theo ông có gì khúc mắc ở đây?
Kiềm chế lạm phát là một trong 4 mục tiêu vĩ mô của Chính phủ bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tăng việc làm và tăng xuất khẩu không có nhập siêu.
Nhưng thông thường, trong 4 mục tiêu lớn đó có những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn tăng trưởng kinh tế thường dẫn đến lạm phát nếu tăng trưởng nóng. Trường hợp kinh tế Việt Nam thì khác. Kinh tế của chúng ta phát triển không nóng nhưng vẫn bị rơi vào tình trạng tăng giá.
Theo tôi, việc tăng giá vừa rồi có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do tác động của sự tăng giá trên thị trường thế giới dẫn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong nước tăng.
Nguyên nhân thứ hai là trong 6 tháng đầu năm, dòng ngoại tệ đưa vào Việt Nam rất lớn như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp... lượng ngoại tệ tăng lớn khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lượng dự trữ bằng cách mua ngoại tệ vào.
Khi đó, sẽ có một lượng lớn tiền đồng đi ra. Lúc này, nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, tăng vòng quay lên sẽ không dẫn đến tình trạng "thừa tiền" trong lưu thông, không gây áp lực và làm giá bị tăng.
Nghĩa là nền kinh tế của ta đã không hấp thụ kịp lượng ngoại tệ đổ vào?
| |
TS. Trần Du Lịch. |
Tôi nói đơn giản như dòng chảy của đầu tư gián tiếp, trực tiếp... nó phải đi nhanh vào các dự án. Nói nôm na là "máu thì nhiều nhưng luân chuyển qua các bộ phận cơ thể thì không tốt" tạo ra một lượng tiền thừa.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước nói 80% lượng tiền dư ra đã có biện pháp thu vào nhưng lạm phát thì luôn luôn có yếu tố tiền tệ.
Nhưng tôi vẫn nhắc lại, nguyên nhân chính là do tăng chi phí đầu vào. Vừa rồi, Chính phủ có đưa ra một nhóm các giải pháp, trong đó có giải pháp giảm chi phí đầu vào, cắt giảm thuế; hạn chế lượng tiền trong lưu thông; biện pháp hành chính là chống đầu cơ, giá ảo; các mặt hàng mà Nhà nước kiểm soát không được tăng...
Theo tôi, 4 giải pháp ứng phó vĩ mô như vậy là phù hợp. "Thuốc" đã đưa ra nhưng tác dụng hay không lại là một vấn đề khác.
Theo ông, "thuốc" có phát huy tác dụng?
Tôi cho là có tác dụng nhưng không phải là tác dụng tức thì. Thực ra chúng ta phải hiểu, khả năng đặt ra là kìm giá chứ không thể giảm được. Việc có giảm được giá hay không phải qua chu kỳ dài chứ không phải ngay lập tức thấy được. Chúng ta cũng chỉ đặt mục tiêu là kìm lại thì đã làm được.
Trên thực tế, tháng 8 đã kìm hãm được tốc độ tăng giá so với quý II (tăng 0,55%, thấp hơn mức tăng 0,94% của tháng 7), hy vọng tháng 9 và 10 sẽ kìm ở mức tăng nhẹ. Mục tiêu là tốc độ tăng giá không vượt quá tăng trưởng GDP.
Với mục tiêu này, các biện pháp đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, qua năm nay chúng ta cũng nhận thấy một bài học: Điều quan trọng nhất của điều hành kinh tế vĩ mô chính là dự báo.
Như vậy có thể kết luận, tình trạng tăng giá vừa qua là do khâu dự báo của ta còn kém?
Rõ ràng là chúng ta đã không lường trước được tình hình tăng giá trên thế giới cũng như các dòng tiền đổ vào thị trường nội địa.
Đơn cử như Trung Quốc, dòng tiền đổ vào rất lớn, họ tăng dự trữ lên tới 1.300 tỷ USD nhưng vẫn kiểm soát được vì nền kinh tế của họ hấp thụ tốt hơn mình. Chúng ta cứ hình dung, ngoại tệ vào cũng giống như thuốc bổ, cơ thể tốt thì thuốc bổ có tác dụng và ngược lại.
Ông có thể dự báo con số lạm phát từ nay tới cuối năm?
Theo tôi sẽ dưới mức 8,5%. Tức là ở mức ngang với GDP.
Theo Nguyễn Hằng
Báo Thanh niên