Lạm phát năm 2007 do vốn “ngoại”

(Dân trí) - Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm 2007 lên tới 2 con số phần nhiều là do một lượng lớn ngoại tệ “đổ” vào Việt Nam, trong khi khả năng “hấp thụ” của chúng ta còn kém.

CPI cao nhất trong 10 năm

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã tăng tới 2,91% so với tháng 11. Tính chung cho 12 tháng trong năm 2007, mức tăng của CPI đã lên đến hai con số (tăng 12,63%); nhưng theo cách tính chỉ số giá bình quân mới, CPI năm nay chỉ tăng 8,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong rổ 10 nhóm mặt hàng được đưa ra tính chỉ số giá tiêu dùng, giá cả 10 nhóm này đều tăng; đặc biệt, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng tới 4,24%), nhóm Phương tiện đi lại - bưu điện (tăng mạnh nhất với 4,38% do tác động của tăng giá xăng). Các nhóm mặt hàng khác có mức tăng từ 0,08-1,61%.

TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội) cho rằng, việc thị trường giá cả trong nước phải chịu cú sốc mạnh so với 2006 khi một mặt bằng giá mới đang được hình thành là nguyên nhân khiến CPI của Việt Nam “vọt” lên mức cao nhất 10 năm qua và dẫn đầu các nước Đông Nam Á.

Còn theo ông Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì: “Sau một năm gia nhập WTO, người tiêu dùng Việt Nam không những không được hưởng giá rẻ theo cạnh tranh quốc tế mà còn bị lạm phát gia tăng - đó là một chuyện lạ”.

Vốn “ngoại” là thủ phạm

Để lý giải cho “câu chuyện lạ về lạm phát”, theo Phó Vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, năm 2007 là năm đầu tiên một lượng ngoại tệ rất lớn đổ vào Việt Nam, từ vốn trực tiếp, gián tiếp, ODA, thu từ dịch vụ qua biên giới, kiều hối... khiến tổng lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam năm qua lên tới trên dưới 25 tỉ USD.

“Nó tác động vào một thị trường không phải là lớn lắm, sức hấp thụ của chúng ta lại rất yếu ở nhiều lĩnh vực, dẫn tới thừa cục bộ, theo thời đoạn, một số ngân hàng thừa ngoại tệ thiếu VNĐ. Nhưng trong chuyện lạ đó, chúng ta thấy có một số nét nổi lên, tuy chưa đến mức gióng lên một hồi chuông báo động ghê gớm.

Tôi cho rằng yếu tố lớn nhất làm cho lạm phát năm 2007 của Việt Nam tăng cao là do dòng vốn nước ngoài vào mà chúng ta không hấp thụ được, trong đó phải đưa ra một lượng rất lớn nội tệ để mua ngoại tệ vào và lượng ngoại tệ mua vào đáng lẽ phải được quay vòng - biến thành đồng tiền mua thiết bị... giải ngân kém quá nên ứ lại”, ông Lai nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với Phó Vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, chuyên gia Nhật Bản Kenichi Ohno đến từ Diễn đàn Phát triển Việt Nam cũng cho rằng: “thủ phạm” chính là lượng vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam 2007 quá lớn.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân mà theo các chuyên gia là do dự trữ ngoại tệ của nhiều ngân hàng không đa dạng, chỉ dự trữ một chiều, làm cho ngoại tệ của một số ngân hàng lại thừa tương đối: thừa USD nhưng lại thiếu NDT, Yên Nhật, Euro...

Theo đề xuất của ông Lai, CPI tăng tới 12,63% là một con số rất lớn so với tốc độ tăng trưởng 8,44% nên bài học cho năm 2008 là “phải ưu tiên cho chính sách tiền tệ thắt chặt chứ không nên quá ưu tiên mục tiêu tăng trưởng.

Vừa rồi chúng ta tập trung vào mục tiêu tăng trưởng nhưng năng lực hấp thụ kém, giải ngân chậm, dự án nhiều gây ra tiền vào nhưng kéo theo vật tư hàng hoá cho hàng hoá cho sản xuất”.

Chuyên gia Nhật Bản Kenichi Ohno thì lưu ý, lạm phát tại Việt Nam hiện nay phải được hiểu không phải là một hiện tượng riêng rẽ mà là một hiện tượng quốc tế phổ biến do sự bùng nổ về vốn ngoại cộng với đầu tư và lạm phát hàng hoá.

Do vậy, ông Kenichi Ohno khuyến cáo Việt Nam nên nhận thức chính xác điều này để “tránh những chuẩn đoán, điều trị sai căn bệnh”.

Nguyễn Hiền