Lạm phát còn diễn biến phức tạp

Năm 2011 rất khó có thể kiềm chế lạm phát ở mức 11,75% như năm 2010 và đạt dưới 15,5% là tốt rồi. Đó là ý kiến của GS TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Sáng 5/5, tại buổi công bố báo cáo khảo sát tình hình kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011 của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh rằng, lạm phát ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề đau đầu của Chính phủ: “Tôi dự đoán nếu năm nay, lạm phát đạt dưới 15,5% là rất tốt rồi”.

 

Nguyên nhân lạm phát bao gồm cả khách quan như giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát thế giới tăng, thiên tại, dịch bệnh và cả yếu tố chủ quan như nhu cầu và sức mua tăng, điều chỉnh tỉ giá, tăng thuế VAT và tự do hóa giá cả, tăng lương...

 

Ông Bá nhấn mạnh: “Nhiều nhà kinh tế, trong đó có cả tôi, cho rằng đôi khi yếu tố chủ quan cao hơn. Các nước xung quanh cũng lạm phát nhưng chỉ vài phần trăm, không lên tới hai con số như Việt Nam”.

 

Ông Bá lưu ý, lạm phát không chỉ là hệ quả của các chính sách năm 2011, mà còn là hệ quả các chính sách từ lâu, chẳng hạn các chính sách đầu tư ồ ạt năm 2009.

 

Ông Bá giải thích, lạm phát của Việt Nam là do cơ cấu kinh tế lạc hậu, tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư. Năm 2010, vốn đầu tư là 830 nghìn tỉ đồng, chiếm 41,9% GDP. “Với Việt Nam, đầu tư chiếm trên 40% GDP là quá cao. Con số đầu tư lớn mà hiệu quả không cao là điều đáng lo ngại. Trong tương lai nên giảm bớt đầu tư”. Bài học của các nước khác là tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, tri thức, đóng góp của tri thức vào tăng trưởng lên tới 60%, thậm chí 80 - 90%.

 

Để lạm phát thấp, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư. “Nếu không làm được, lạm phát sẽ là vấn đề tương đối thường trực, có thể hôm nay giảm nhưng sẽ làm bùng lên bất kỳ lúc nào”, ông Bá nói. Ông cho rằng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm nay có khác biệt đáng kể so với các năm trước.

 

Cho đến năm 2010 vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn ưu tiên tăng trưởng kinh tế và lạm phát, song tăng trưởng vẫn được chú trọng. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 của Chính phủ tháng 2/2011 đã có nhiều thay đổi lớn khi chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.

 

Trong các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô này, Việt Nam sẽ cắt giảm đầu tư công khoảng 97 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế cho vay bất động sản, thị trường chứng khoán, để mục tiêu đến tháng 6/2010 đầu tư vào bất động sản chỉ còn tối đa là 32% và cuối năm 2011 là tối đa 16% tổng dư nợ của các ngân hàng.

 

Theo M.H

Lao động