1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Làm nửa ngày thu nhập hơn chục triệu tháng nhờ nghề “cắt chấu liềm”

(Dân trí) - Tại chợ Sơn, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vẫn có người duy trì được nghề “cắt chấu liềm” - một nghề độc đáo đã có từ cổ xưa. Do chợ chỉ họp buổi sáng nên thợ cắt chấu liềm chỉ cần tranh thủ làm buổi sáng cũng đã cho thu nhập rất tốt.

Làm nửa ngày thu nhập hơn chục triệu tháng nhờ nghề “cắt chấu liềm”

Ngày xưa, chiếc liềm là công cụ lao động chủ yếu của người nông dân, nhưng hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa thì chiếc liềm chỉ còn được sử dụng để cắt cỏ cho trâu, bò. Thế nhưng, ở những phiên chợ làng thì người thợ cắt chấu liềm vẫn rất đông khách.


Khách đến cắt chấu liềm liên tục

Khách đến cắt chấu liềm liên tục


Công đoạn cắt chấu rất thu hút được ánh mắt hiếu kì của trẻ nhỏ

Công đoạn cắt chấu rất thu hút được ánh mắt hiếu kì của trẻ nhỏ

Ông Vũ Xuân Hòa, là thợ cắt chấu liềm đã làm ở đây hơn 30 năm ở đây cho biết, một ngày tiếp nhận của bà con tại chợ từ 30 – 50 chiếc liềm để cắt chấu. Do chẳng còn mấy ai theo nghề nữa, chỉ có mình ông làm nên khá đông khách.

Khách đến chủ yếu làm 1 – 2 cái thì 7.000 đồng/liềm, nếu làm nhiều từ 3 cái trở lên thì chỉ còn 5.000 đồng/liềm. Khách cứ ghi tên vào cán rồi để liềm lại và đi chợ, 5 phút sau quay ra là có liềm sắc mang về, ông Hòa cho biết.


Ghi lại tên khách hàng trên cán

Ghi lại tên khách hàng trên cán

Chợ Sơn chỉ họp ngày lẻ nên những ngày còn lại ông Hòa thường ra chợ Nghi Hợp để làm. Ông Hòa cho biết: “Mỗi phiên chợ như vậy, chi phí chỉ mất 10 ngàn tiền điện và thêm 10 ngàn tiền than, các chi phí đen đều không phải mất”. Ngoài ra, ông cũng tranh thủ bán những chiếc liềm đã hoàn thiện với giá 20.000 đồng/chiếc để có thêm đồng ra đồng vào.

Tuy chỉ là công việc tranh thủ lúc nông nhàn, giá mỗi lần làm lại không cao nhưng nhu cầu cắt chấu liềm vẫn cao nên hàng tháng thu nhập ông Hòa từ công việc này có thể hơn chục triệu đồng, mà chỉ phải làm có nửa ngày.

Theo ông Hòa, để hoàn thiện một sản phẩm đầu tiên phải nung đỏ để liềm mềm, gọi là xẹp liềm. Khi đã nguội, người ta dùng búa nắn cho liềm thẳng, sửa lại mũi bằng kéo chuyên dụng. Kế đó, liềm được dũa sắc như lưỡi dao.


Việc cắt từng chấu yêu cầu người thợ phải quen tay và chính xác

Việc cắt từng chấu yêu cầu người thợ phải quen tay và chính xác

Công đoạn quan trọng nhất là cắt chấu (làm răng cưa nhỏ li ti). Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải thực sự có “nghề”, đảm bảo rằng chấu nhỏ, sắc nhọn và đều. Sau khi cắt chấu, liềm phải được mài sạch gỉ sắt ở lưỡi chấu.


Chấu liềm nhỏ, đều và sắc nhọn

Chấu liềm nhỏ, đều và sắc nhọn


Động tác mài rất nhanh của người thợ

Động tác mài rất nhanh của người thợ

Cuối cùng là công đoạn “tôi” liềm, liềm sẽ được làm cứng lại bằng cách hơ trên lò than cho hồng rực đến một mức tùy ước lượng của thợ rồi nhúng vào nước. Theo ông Hòa đây là công đoạn quyết định của người thợ rèn. Sau khi liềm được “tôi” sẽ được mài trơn để đảm bảo như chiếc liềm mới.


Công đoạn “tôi” liềm

Công đoạn “tôi” liềm

Anh Nguyễn Quang Triều, xóm 14, xã Nghi Trường cho biết: “Tuy bây giờ lúa chủ yếu gặt bằng máy nhưng cái liềm vẫn là nông cụ không thể thiếu. Vì thế mỗi tháng tôi lại phải mang liềm đi cắt chấu đôi ba lần, đến khi vào vụ phải dọn bờ, dọn ruộng nhiều, thì một tháng phải cắt chấu liềm tới 4 lần.”

Anh Nguyễn Đình Sỹ, ở xóm 14, xã Nghi Trường cũng là một thợ cắt chấu liềm có tiếng tại xã cho biết, lúc nông nhàn cũng có khá nhiều việc để cải thiện thu nhập. Nam giới khỏe mạnh thì đi làm phụ hồ, thợ sơn, có tay nghề thì đẽo cày, cắt chấu liềm.

“Mười mấy năm nay, tôi cắt chấu liềm ở nhà nên làm mọi lúc, không cứ gì nông nhàn. Bà con cứ mang qua buổi trưa, ngồi lại làm chén nước chè là tôi làm xong. Giá cả thì người làng với nhau nên chỉ 5.000 đồng/liềm, ai đi ra đồng tranh thủ qua cắt chấu liềm mà không mang tiền thì lúc nào qua gửi sau cũng được", anh Sỹ chia sẻ.

Theo anh Sỹ, ,ột số người khéo tay biết đẽo cày còn cho thu nhập khá hơn, trung bình 1 cày làm trong 3 ngày đã được 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Phụ nữ thì có thể làm mật mía, thứ này để kho cá hoặc uống với là chè tươi duy trì sức khỏe cho người già, mau hồi phục cơ thể nên bán rất tốt.

Thế Hưng