Làm giàu trên vùng đất phèn

Nhờ cần cù, người nông dân ấy đã biến vùng đất nhiễm phèn thành vườn lan Mokara với 16.000 cây, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Đến thăm vườn lan Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM), chúng tôi như đi lạc vào xứ sở thần tiên với những hàng lan Mokara vươn cao, hoa đong đưa đủ màu. Rót tách trà thơm đãi khách, chủ nhân khu vườn vui vẻ kể: “Hôm qua, vợ chồng tôi vừa tiếp một đoàn khách du lịch nước ngoài đến tham quan. Tận dụng không gian khu vườn để làm du lịch sinh thái cũng có thêm kha khá tiền”.

 

Khởi nghiệp với cá rô phi

 

Trước năm 1975, ông Kiều Lương Hồng vốn là một cán bộ dân vận, nhiều lần bị địch bắt, kết án và bỏ tù. Sau ngày giải phóng miền Nam, dù được đồng đội tích cực vận động, ông vẫn cứ “lơ là” trong việc báo cáo thành tích. Ông cười bảo: “Mình là nông dân, hoạt động cách mạng để mong hòa bình. Hòa bình rồi thì lo cày cấy. Chỉ vậy thôi là an vui rồi”.

 

Ông Kiều Lương Hồng và vườn lan Mokara của mình
Ông Kiều Lương Hồng và vườn lan Mokara của mình

 

Đúng như ông nói, hòa bình rồi, ông đầu tắt mặt tối trên thửa đất nhiễm phèn do ông bà để lại. Đất được “rửa” chua đến đâu, ông đào ao, dẫn nước từ sông Cái Trung vào thả cá đến đó. Ông nuôi các loại cá mè, trắm cỏ, trôi, chép. Ban đầu do mày mò làm nên có vụ lời, có vụ lỗ. Ông thực sự phất lên kể từ khi lấy được giống rô phi từ Trung tâm Điều phối giống Thủ Đức. Kiên trì lai tạo cá rô phi rặt đực với cá rô phi Đài Loan, ông đã thành công trong việc tạo ra con rô phi dòng ghíp đẻ sai, thịt ngon, bán giá cao. Hằng năm, ông thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ cá, một khoản tiền không nhỏ so với vật giá thời đó.

 

Nhưng thời hoàng kim của con rô phi dòng ghíp rồi cũng qua khi thị trường xuất hiện loại cá điêu hồng đẹp mắt. Vả lại, sông Cái Trung bị bồi đắp, nguồn nước tự nhiên để nuôi cá cũng không còn. Vậy là ông lặn lội đi tìm kiếm, học hỏi cách chuyển đổi cây trồng vật nuôi sao cho phù hợp.

 

“Vua” lan Mokara

 

Năm 2004, ông quyết định chuyển sang trồng lan Mokara. Thời điểm ấy, lan Mokara mới chỉ là bước thử nghiệm của một số hộ nông dân TP HCM. Riêng tại xã Tân Kiên, các cán bộ hội nông dân của xã xem “chú Ba Hồng” là một trong những người tiên phong phát triển mô hình trồng lan Mokara.

 

Bản tính cần cù vốn ăn sâu trong máu người nông dân này. Vợ chồng anh Tám, phụ làm vườn cho ông Hồng đã nhiều năm nay, kể: “Chú Ba được hội nông dân huyện hỗ trợ máy phun sương nhưng không hề ỷ y vào nó. Chú luôn nhắc nhở tôi khi bật máy phun sương phải xịt tưới giặm cho những cây ở đầu ngọn gió”. Từ 100 cây lan Mokara ban đầu, ông Hồng đã nhân giống lên hơn 16.000 cây xanh tốt, ít sâu bệnh, cho bông nhiều như hiện nay. “Trung bình mỗi tháng, tôi cắt bán khoảng 3.000 cành, thu nhập tròm trèm 40 triệu đồng” - ông Hồng khoe.

 

Ở huyện Bình Chánh, từ nhiều năm nay, nhiều người ví ông Hồng là “vua” của lan Mokara. Biết cách làm giàu trên mảnh đất quê hương, ngoài tài sản tích cóp, nhà cửa khá bề thế, hoa lợi từ trồng lan Mokara còn giúp ông đủ sức lo cho cô con gái duy nhất sang Mỹ du học. Nhưng ông không nghĩ cho riêng mình. Ông và vợ đi khắp nơi để làm từ thiện, thấy ai khó khăn là sẵn lòng giúp đỡ. Riêng ở huyện Bình Chánh, hằng năm, vợ chồng ông trích một phần tiền để giúp những học sinh hay những hộ gia đình khó khăn.

 

Trong khuôn viên nhà vườn của ông còn có Văn phòng CLB Sinh vật cảnh xã Tân Kiên do chính ông bỏ tiền ra xây cất. Với vai trò chủ nhiệm CLB, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP HCM, từ năm 2011 đến nay, ông đã tổ chức hơn 10 lớp học về trồng hoa lan, bonsai, cá kiểng cho hàng trăm nông dân trong huyện.

 

Theo Nhật Thanh

NLĐ