Làm gì để doanh nghiệp không găm giữ USD?
Nhiều người trách cứ doanh nghiệp găm giữ USD, góp phần làm cho thị trường ngoại tệ căng thẳng. Nhưng có một cách khắc phục tình trạng này thông qua việc “neo” tỷ giá vào “rổ” ngoại tệ thay vì một ngoại tệ, thì cơ quan quản lý có tính đến?
Quá phụ thuộc vào USD
Ông Kiệp giải thích, nhiều năm qua, nhằm tạo ra chiếc “ô”, “che mưa, nắng” cho doanh nghiệp, Chính phủ đã thực hiện chính sách “neo” tỷ giá VND vào USD.
Mặc dù hiện tại biên độ được nới lỏng lên +/- 5% nhưng chiếc “ô” này vẫn là công cụ hữu hiệu đem lại niềm tin và an toàn để doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Qua đó, họ dự báo được tình hình và tính toán được lợi nhuận để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong hoạt động kinh tế, động lực của doanh nghiệp là phải ước lượng trong tương lai họ kiếm được bao nhiêu tiền. Bởi vậy, khi đưa ra một đề án, mọi tính toán về lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp đều dựa trên dự báo tỷ giá vào thời điểm nào đó trong tương lai là bao nhiêu.
Nếu tỷ giá biến động thất thường, một dự án từ chỗ đang hoạt động hiệu quả, có thể biến thành không hiệu quả.
Đổi lại, chính sách điều hành của Chính phủ phải chịu áp lực rất mạnh mỗi khi dòng vốn ngoại vào - ra thất thường, đồng USD bị giảm giá trị so với ngoại tệ khác hay các vụ tấn công tiền tệ. Thậm chí, khi tỷ giá bất ổn, tổng giá trị tài sản của cả quốc gia cũng biến động theo.
Dẫn chứng rõ nhất, với chính sách “neo” tỷ giá VND vào USD, Chính phủ đã chủ động hơn trong thực thi chính sách “đồng tiền yếu” để hỗ trợ khu vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng vì kéo dài chính sách “neo” VND vào USD, đã khiến cho doanh nghiệp Việt Nam quá “yêu thích” đồng tiền này. Cái giá phải trả cho sự “yêu thích” này là rủi ro tăng lên, mỗi khi USD mất giá so với ngoại tệ khác khi có thời điểm 1 USD “ăn” hơn 1,22 Euro hoặc 1 Euro có giá trị bằng 1,4 USD. Hoặc, trong khi doanh nghiệp thiếu USD nhưng lại thừa Euro hay Yên Nhật.
Và đó còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng găm giữ USD hiện nay của các tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Chưa kể, do phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, doanh nghiệp không phân tán được rủi ro tỷ giá mà chính sách điều hành kinh tế còn bị méo mó theo.
Giải quyết bằng cách nào?
Ông Kiệp cho rằng, trước đây, nhiều nước thực hiện “neo” tỷ giá với một đồng tiền nhưng xu hướng hiện nay, không ít quốc gia đã “neo” tỷ giá với một “rổ” tiền tệ, do sự biến đổi vị thế của các đồng tiền trong giao thương quốc tế khá phức tạp.
“Nên ấn định tỷ giá qua nhiều ngoại tệ khác nhau thay vì một ngoại tệ là USD”, ông Kiệp nhấn mạnh.
Trên thực tế, nước Nga đã thực hiện “neo” tỷ giá đồng Rúp vào đồng USD và Euro với tương quan 55/45.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói: “Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay và trước áp lực các thế lực tài chính có thể đánh sập một đồng tiền nào đó, việc “neo” tỷ giá là đương nhiên nhằm ổn định tiền tệ và đảm bảo sức mua ngang giá giữa các đồng tiền với nhau”.
Xung quanh vấn đề này, một chuyên viên đầu tư một ngân hàng thương mại cho rằng: “Đó là ý kiến hay do tỷ giá được phản ánh chính xác hơn nhưng để làm được điều này, phải gắn với thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp nhận sử dụng các đồng tiền khác khi thanh toán”.
Chuyên viên trên phân tích thêm, “neo” tỷ giá vào “rổ” ngoại tệ cũng gần giống như ấn định tỷ giá thông qua SDRs (đơn vị tiền tệ quy ước của các thành viên IMF), thông qua xác định tỷ giá chung từ 5 đồng tiền trong “rổ” tiền tệ của tổ chức tài chính này.
Theo chuyên viên trên, nếu làm được như vậy, tỷ giá của VND được tính toán trên giá trị chung của một rổ tiền tệ thông qua một chỉ số nào đó. Và khi thanh toán với nhau, tỷ giá sẽ được định hình dựa trên sức khỏe nhiều đồng tiền khác.
Do đó, tỷ giá sẽ phản ánh chính xác hơn và không phụ thuộc quá nhiều vào sự mạnh hay yếu của đồng USD.
Tuy nhiên, “neo” VND vào “rổ” ngoại tệ không phải không có khó khăn. Chẳng hạn, phải xác định trong “rổ” đó gồm những ngoại tệ nào, tỷ trọng từng ngoại tệ là bao nhiêu và dựa trên cơ sở nào để xác định tỷ trọng của chúng.
Đó là chưa nói đến thay đổi thói quen của doanh nghiệp trong việc sử dụng USD cũng như thói quen muốn nhàn nhã của Ngân hàng Nhà nước, bộ máy tính thuế, cũng như hoạt động xác định lại giá trị thực tài sản có của doanh nghiệp đối với cơ quan kế toán và kiểm toán, vốn tồn tại hàng chục năm nay, là điều không dễ dàng.
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy