Lại tranh cãi việc nới biên độ tỷ giá VND/USD
Người dân găm giữ USD vì kỳ vọng giá tiếp tục tăng, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm... là những nguyên nhân khiến gần đây nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục nới rộng biên độ tỷ giá giữa VND và USD.
Trong báo cáo mới đây về triển vọng xuất khẩu 2009, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia đã đề xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bằng cách tiếp tục nới biên độ dao động ngoại tệ lên 6% hoặc 7% vào những thời điểm thích hợp được tính toán cẩn thận, tránh gây ra những bất lợi cho nền kinh tế.
Khuyến cáo này của Trung tâm Thông tin dự báo đưa ra dựa trên dự báo khả năng xuất khẩu năm 2009 sẽ bị sụt giảm mạnh và sẽ làm năm đầu tiên trong giai đoạn đổi mới của Việt Nam xuất khẩu bị sụt giảm. Nới biên độ tỷ giá có thể xem là một biện pháp quan trọng để tăng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia thuộc trung tâm này, tỷ giá là một yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu. Những năm gần đây, do duy trì tỷ giá nên giá VND được xem là quá cao so với USD, nhất là trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, USD mất giá thì VND càng được cho có giá cao. Và khi đồng nội tệ quá cao so với đồng ngoại tệ sẽ không khuyến khích xuất khẩu mà khuyến khích nhập khẩu.
Gần đây, NHNN đã có động thái điều chỉnh biên độ giao dịch ngoại tệ từ 1% lên mức 5% hiện nay. Đây thực chất là hình thức điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ một cách từ từ và điều này có được đánh giá là cách làm tích cực, có ý nghĩa với xuất khẩu.
Trong khi đó, theo PGS Nguyễn Thị Mùi (Ngân hàng Công thương Việt Nam) để khắc phục tình trạng thừa ngoại tệ tiền gửi và thiếu ngoại tệ bán cho DN, DN có ngoại tệ không bán cho ngân hàng thì cần điều chỉnh tỷ giá.
Nhưng bà Mùi nói rằng có thể tính cả chuyện tăng và cả giảm biên độ. Khi giá USD đạt tới mức kỳ vọng, các DN sẽ bán USD cho ngân hàng, nhà đầu tư thay vì giữ USD trên tài khoản sẽ bán ra để chốt lãi.
Phải tính thật kỹ
Nói về việc điều chỉnh biên độ tỷ giá, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, nếu VND mất giá 5% thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải trả nợ thêm 26.000 tỉ đồng, doanh nghiệp trả thêm 13.000 tỉ đồng.
Nói tăng biên độ tỷ giá, hạ giá đồng Việt Nam để có lợi cho xuất khẩu nhưng cũng phải xem lại: hầu hết các ngành xuất khẩu của VN đều phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu.
Vậy phá giá đồng tiền chưa chắc đã tốt. Vì USD lên giá thì DN cũng phải tốn thêm VND để nhập khẩu, giá đầu vào sẽ tăng. Nếu nói xuất khẩu có lợi chỉ có một số ngành như gạo, nông sản là có lợi... còn rất nhiều ngành khác kể cả xuất khẩu hay đầu tư đều có thể bị ảnh hưởng.
“Mỗi lần điều chỉnh biên độ là một bài toán và không khéo thì lại phải trả thêm nợ” - ông Giàu nói.
Thực tế, trong năm 2008, rất nhiều DN đang báo cáo lãi ở quý III nhưng đến quý IV thành lỗ. Một trong những nguyên nhân quan trọng của “sự chuyển đổi” này là do biến động tỷ giá. Có những dự án vay nợ nước ngoài như Nhiệt điện Phả Lại, khoản vay nợ nước ngoài tính giá VND đã tăng thêm hơn 800 tỷ đồng vì tỷ giá tăng lên.
Chính vì thế, ông Nguyễn Đức Hưởng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt cho rằng, tỷ giá cần được điều hành linh hoạt theo thị trường nhưng cũng cần hết sức thận trọng bởi tỷ giá có quan hệ mật thiết với các yếu tố quan trọng của nền kinh tế gồm xuất nhập khẩu, đầu tư,… Quan trọng là NHNN đưa ra được những tín hiệu chính sách rõ ràng, tránh tình trạng “tâm lý đẩy” dẫn tới đầu cơ, thiệt hại cho cả các nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo ông Hưởng, việc triển khai chính sách tỷ giá linh hoạt rất cần được sự hỗ trợ của các biện pháp khác như hoán đổi ngoại tệ trong thời kỳ dư thừa hoặc thiếu hụt, hoạt động bán mua ngoại tệ mang tính điều tiết giữa NHNN và NHTM, định kỳ công bố dự trữ ngoại tệ quốc gia…
Theo Phước Hà
VietNamnet