Lãi suất VND vẫn tìm cách… phá rào

(Dân trí) - Với các “chiêu thức” như không ghi mức lãi suất chênh lệch vào sổ tiết kiệm, chưa kể các hình thức khuyến mãi khác, lãi suất huy động VND thực tế mà khách hàng được nhận tại một số ngân hàng thương mại vẫn vượt trần 14%/năm.

Lãi suất VND vẫn tìm cách… phá rào - 1
Một số ngân hàng đang thực hiện thưởng lãi suất không ghi vào sổ tiết kiệm (ảnh minh họa)
 
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lo ngại, tình hình huy động vốn sắp tới vẫn rất căng thẳng và sẽ có nhiều chiêu thức “lách” luật mà cơ quan quản lý rất khó để phát hiện.
 
Thỏa thuận “ngầm” lãi suất
 
Hôm 3/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư số 02/2011/TT-NHNN nhắc lại quy định mức lãi suất huy động ở các tổ chức tín dụng, kể cả khuyến mãi dưới mọi hình thức, tối đa không vượt quá 14%/năm; còn ở các quỹ tín dụng nhân dân không quá 14,5%. Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện và xử lý đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này.
 
Tuy nhiên, thực tế, một số khách hàng cá nhân gửi món tiền lớn tới gần 1 tỷ đồng lại là “khách quen” tại một số ngân hàng thương mại đã nhận được mức lãi suất “ngầm” lớn hơn 14%/năm.
 
Đối với khách hàng tiền tỷ, ngân hàng sử dụng hình thức gi thêm phiếu chi thưởng 3,8% lãi suất. Khoản chênh lệch được tách ra ngoài sổ tiết kiệm. Không những thế, khách hàng còn được tham gia và hưởng nhiều sản phẩm khuyến mãi. Do vậy, lãi suất thực lĩnh đã vượt lãi suất danh nghĩa.
 
Một số ngân hàng thương mại thừa nhận nếu không có các hình thức khuyến khích người gửi tiền (như tặng quà, khuyến mãi, thỏa thuận ngầm lãi suất…) thì  ngân hàng đó sẽ mất thị phần, thanh khoản không đảm bảo.
 
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhỏ tại TPHCM cũng phân bua rằng bản thân lãnh đạo các ngân hàng cũng khó có thể kiếm soát được hết vấn đề mặc cả lãi suất của khách hàng. Đôi khi vì sức ép chỉ tiêu huy động vốn, nên nhiều khi khách hàng không đòi hỏi lãi suất cao, song để hoàn thành chỉ tiêu, nhân viên ngân hàng tự nâng lãi suất lên và về báo cáo lại là khách hàng đòi thêm lãi suất.
 
Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước thì than thở, trong hai tháng đầu năm nay, nguồn vốn huy động từ dân cư của chi nhánh chỉ tăng thêm 10 tỷ đồng so với cuối năm 2010, nhưng trong vài ngày đầu tháng 3/2011 chi nhánh đã bị khách hàng rút đi mất 50 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng chỉ vì tuân thủ nghiêm ngặt cam kết đồng thuận lãi suất huy động cao nhất ở mức 14%/năm.
 
Vị giám đốc này cũng cho rằng, cuộc cạnh tranh huy động vốn sắp tới sẽ không kém phần căng thẳng, việc thỏa thuận ngầm lãi suất với khách hàng là điều khó tránh khỏi, mức lãi suất cộng thêm này không được ghi vào hợp đồng mà chỉ là thỏa thuận giữa hai bên, khiến công tác thanh tra của cơ quan quản lý khó khăn hơn.
 
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã từng sử dụng chiêu bài cài cắm người đi gửi tiền tại một số ngân hàng thương mại để có đủ chứng cứ, xử lý ngân hàng vi phạm lãi suất huy động.
 
Có thể giảm lãi suất?
 
Câu hỏi này được đưa ra bàn luận gay gắt, tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, lãi suất huy động VND khó có thể giảm trong ngắn hạn do tác  động của việc tăng tỷ giá USD/VND và lãi suất tiền gửi USD cao.
 
Một trong những người có quan điểm trên, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế cho rằng, chu trình giảm lãi suất VND và ổn định tỷ giá phải bắt đầu từ giảm lãi suất huy động USD và giảm kỳ vọng lạm phát thông qua việc kiểm soát chặt chẽ cung tiền và tín dụng.
 
Theo TS. Chí, việc cung tiền và tín dụng tăng cao trong năm 2010, cộng hưởng với giá xăng dầu và hàng hóa thế giới tăng cao, nhất là lương thực thực phẩm đang có xu hướng tăng, chưa kể lộ trình tăng giá điện, xăng dầu trong nước… sẽ tạo sức ép lớn đến lạm phát năm 2011.
 
Chính vì thế, trong năm nay, việc Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu giảm mức tăng cung tiền xuống còn 15 - 16% và mức tăng tín dụng xuống còn 18 - 20% là có thể kiểm soát được lạm phát.
 
Ông Chí cũng nhận định, sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong vấn để này là cần thiết để kiểm soát thu chi ngân sách hàng tháng, từ đó giảm mức bội thu xuống. Bên cạnh đó cần thay đổi cơ cấu sản xuất, xuất khẩu trong nước, hạn chế nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, qua đó giảm áp lực dài hạn lên tỷ giá.
 
Kim Chi