Lãi suất USD trong nước có giảm?

Trước động thái cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD của FED xuống còn 4,75%/năm, nhiều người cho rằng mặt bằng lãi suất USD trong nước sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nói về xu hướng giá USD thời gian tới, các chuyên gia vẫn chưa có sự thống nhất.

Trước đây, thông thường lãi suất USD trong nước được điều chỉnh theo hướng đi lên ngay sau khi FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD.

Nhưng gần đây, điều này có chiều hướng ngược lại, FED liên tục giữ nguyên lãi suất đồng USD nhưng các ngân hàng trong nước lại ra sức tăng lãi suất, đáng chú ý là nhóm ngân hàng cổ phần liên tiếp tăng lãi suất ngoại tệ kể từ đầu năm đến nay.

Hiện lãi suất USD của một số ngân hàng cổ phần tăng cao hơn mức lãi suất cơ bản của FED đưa ra trước khi điều chỉnh trong ngày 18/9. Đơn cử như Ngân hàng An Bình (ABBANK), lãi suất USD kỳ hạn 12 tháng lên đến 5,45%/năm.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBANK cho biết, hiện ABBANK chưa tính đến việc cắt giảm lãi suất USD, cho đến khi cân đối được lượng cung - cầu ngoại tệ để phục vụ tốt cho DN xuất nhập khẩu. Theo ông Khánh, mục tiêu của ABBANK hiện nay là tài trợ cho DN xuất nhập khẩu nên nhu cầu huy động ngoại tệ rất cao.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cũng cho hay, trong ngắn hạn, ngân hàng sẽ không cắt giảm lãi suất huy động USD. Theo ông này, việc FED cắt giảm lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá cũng như lãi suất của thị trường tiền tệ Việt Nam.

Một phần, do đặc thù của VNĐ chưa thể chuyển đổi, việc quản lý ngoại tệ còn mang tính cục bộ. Mặt khác, nhu cầu lớn về ngoại tệ của DN chuyên xuất nhập khẩu, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Bên cạnh đó, để cạnh tranh trên thị trường mở, DN trong nước phải nỗ lực cải tiến thiết bị, máy móc… nguồn này chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài nên cần đến ngoại tệ để thanh toán.

Đặc biệt, lãi suất đồng USD thời gian qua được các ngân hàng ra sức điều chỉnh nhưng hiện vẫn thấp hơn so với VNĐ. Tỷ giá hối đoái VNĐ/USD luôn được kiểm soát chặt chẽ, khó biến động…

Đây chính là những điểm hấp dẫn với DN khi có nhu cầu về vốn. Tuy nhiên, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ giảm, do ngân hàng trong nước hiện đang có sự trao đổi (vay - cho vay) với các ngân hàng ở nước ngoài.

Ngược lại, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận định, lãi suất USD trong nước sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới vì FED cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất USD ở Việt Nam.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả ngân hàng đều đồng loạt giảm, mà việc cắt giảm sẽ phụ thuộc vào sự cân đối nguồn cung ngoại tệ của từng ngân hàng.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM, ông Hồ Hữu Hạnh cũng cho rằng, lãi suất USD trên thị trường đã tăng cao,phổ biến ở mức 4,4 - 4,9%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; loại kỳ hạn 6 tháng dao động 4,4 - 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,05 - 5,25%/năm. Do vậy, khả năng cắt giảm lãi suất huy động USD của các ngân hàng trong nước là điều hoàn toàn xảy ra.

Theo ông Hạnh, trong tháng 11, 12 tới, FED sẽ có những cuộc họp liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất USD. Nếu các ngân hàng không có sự cân nhắc kỹ lưỡng mà chạy theo cuộc đua tăng lãi suất sẽ rất nguy hiểm.

Vả lại, nguồn vốn huy động ngày một dồi dào, trong khi các ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm lãi suất USD, các ngân hàng trong nước sẽ không biết gửi đâu để kiếm lời và trả lãi cho khách hàng.

Theo Thùy Vinh
Đầu tư Chứng khoán