1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

FED tăng lãi suất:

Lãi suất USD trong nước chưa tăng

Những lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước đây ngay lập tức tác động đến lãi suất USD trong nước. Thế nhưng, lần tăng lãi suất USD lần này lên 3,25%/năm (tăng thêm 0,25%) vào ngày cuối cùng của tháng 6/2005 thì diễn biến theo quy luật lại không diễn ra.

Lãi suất USD trong nước vẫn “án binh bất động”, đúng hơn là các ngân hàng thương mại đang chờ động thái của thị trường.

Tăng đầu vào, khó cho đầu ra

Có nhiều lý do để các ngân hàng chưa tăng lãi suất USD nhưng lý do chính như một “luật bất thành văn” là các ngân hàng đang gờm và chờ vào ông “trùm” trong làng ngoại hối là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Dù lãi suất huy động USD của VCB vẫn đang ở mức 3,4%/năm, thấp hơn mức bình quân của thế giới (trên 4%) nhưng VCB vẫn quyết định không tăng lãi suất USD ngay sau khi FED tăng.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Tổng Giám đốc VCB kiêm Giám đốc VCB TPHCM cho biết: Quyết định lần này của FED là hoàn toàn bình thường, bởi các ngân hàng thương mại Việt Nam gần như đã quá quen với những quyết định được dự báo trước của FED nên nhiều ngân hàng đã có những bước đi phù hợp bằng việc cho tăng lãi suất USD trước đó.

Đơn cử như VCB, ngay từ cuối tháng 2/2005 đã cho tăng lãi suất USD lên 3,4%/năm cũng đã tính đến việc FED sẽ tăng lãi suất, mà thực tế là từ đó đến nay FED đã cho tăng lãi suất 2 lần.

Một chuyên viên trong ngành ngân hàng nhìn nhận có 2 lý do khiến các ngân hàng chưa muốn tăng lãi suất USD: Thứ nhất, vì tăng lãi suất huy động kéo theo đó là tăng lãi suất cho vay, mà trong thời điểm hiện nay tăng lãi suất đầu ra là điều rất mạo hiểm và nhiều doanh nghiệp không dễ dàng chấp nhận vì giá cả nhiều mặt hàng đang tăng mạnh, ảnh hưởng đến sức mua cũng như sản xuất.

Thứ hai, với mức tăng lãi suất USD của nhiều ngân hàng (bình quân từ 3,4 đến 3,5%/năm) và hiện đang nằm trong khoảng thấp hơn mức bình quân của thế giới (trên 4%/năm) từ 0,5 đến 0,6%/năm là hoàn toàn có thể chấp nhận, bởi còn “có cửa” để gửi ngoại tệ vào ngân hàng nước ngoài khi không sử dụng hết nhằm giảm chi phí.

Còn chạy theo lãi suất huy động cao kể như ngân hàng phải chịu lỗ do tăng chi phí đầu vào. Trước đây vào tháng 5/2000, FED đã từng tăng lãi suất lên 6,5%/năm nhưng các ngân hàng trong nước vẫn huy động ở mức 5,1%/năm.

Hiệu ứng đôminô?

Trong khi đó theo dự báo của các ngân hàng thương mại cổ phần thì… ngược lại. Mặc dù hầu hết các ngân hàng đều tuyên bố là sẽ không tăng lãi suất USD nhưng điều này cũng có tính nhất thời, không có cơ sở vững chắc.

Ông Nguyễn Gia Định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP) Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết hiện nay lãi suất thị trường đang ổn định nên một khi tăng sẽ rất khó cho đầu ra.

Mà tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhưng không cho vay được thì cũng như không. Một đại diện của NHTMCP ngoài quốc doanh (VP Bank) dự báo lãi suất USD sẽ phải nhích lên bởi mặt bằng lãi suất USD trong nước vẫn thấp hơn so với khu vực.

Bên cạnh đó, do hiệu ứng dây chuyền nên mỗi lần FED tăng lãi suất sẽ tạo ra một mặt bằng lãi suất mới khiến các ngân hàng phải tính đến chuyện điều chỉnh lãi suất huy động.

Theo phòng kế hoạch và nguồn vốn NHTMCP Sài Gòn, nhu cầu về vốn USD hiện vẫn đang đủ đáp ứng nên ngân hàng sẽ rất thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất để giữ chân khách hàng và cân đối lại nguồn USD và VNĐ.

Ông Võ Văn Châu, Giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB), cho rằng tăng lãi suất USD là điều khó tránh khỏi bởi FED tăng có tác động trên toàn thế giới chứ không riêng nước ta. Còn tăng vào thời điểm nào phải chờ động thái thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, từ nay đến cuối năm 2005, lãi suất cơ bản của FED sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng lên đến 4,25%/năm. Vì vậy lãi suất trong nước sẽ khó có thể đứng yên khi FED điều chỉnh. Tăng lãi suất USD sẽ kéo theo tăng lãi suất VNĐ nhằm tránh tình trạng đô la hóa.

Việc tăng lãi suất 2 lần trong vòng 2 tháng gần đây của FED tác động không lớn trên thị trường bởi trước đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã dự báo những gì mà FED thực hiện. Chính vì vậy mà SBV cũng vừa có quyết định công bố lãi suất cơ bản trong tháng 7/2005 vẫn không thay đổi so với tháng 6 trước đó, vẫn ở mức 0,65%/tháng và 7,8%/năm.

Việc SBV quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp theo mục tiêu đã đề ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo SGGP