Lãi suất, tỷ giá... dưới góc nhìn Thống đốc
Hai năm liên tiếp, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan phải gánh chịu nhiều áp lực. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã có những chia sẻ với bạn đọc về trách nhiệm của cơ quan này.
Có lẽ gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn là điểm nổi bật của hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm 2009. Thống đốc nói gì về "chuyện trong nhà" xung quanh gói hỗ trợ này?
Nếu như 2008 là năm lạm phát cao, buộc phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt thì sang 2009, tình hình kinh tế vĩ mô có phần phức tạp hơn mà biểu hiện rõ nét nhất là nền kinh tế chưa kịp “cắt cơn” lạm phát, đã phải đối mặt với suy giảm.
Chính phủ phải điều chỉnh mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát, tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Và dĩ nhiên, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước cũng phải bám vào mục tiêu này.
Trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/CP, hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá 1 tỷ USD. Để đưa gói hỗ trợ lãi suất vào thực tiễn, ban đầu có khá nhiều ý kiến khác nhau nhưng tập trung chủ yếu ở hai phương án.
Phương án thứ nhất, là nên dành cho một số công trình lớn làm động lực kích thích các ngành phụ trợ phát triển, giống như gói kích thích của Trung Quốc.
Phương án thứ hai là chỉ hỗ trợ một số khu vực, chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi lúc đó, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có đưa ra những con số bi quan về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp: 20% phá sản, 60% khó khăn và chỉ 20% có thể trụ vững.
“Nhiều người khuyên tôi nên phá giá thêm”
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, hoạt động điều hành của NHNN đã đạt được những mục tiêu do Chính phủ đề ra nhưng ở một số thời điểm còn thận trọng đến mức rụt rè và chưa linh hoạt. Thống đốc nói gì về vấn đề này trong năm 2010?
Trả lời vấn đề này thì phải nhìn rộng ra bối cảnh xung quanh nước mình.
Tại Mỹ, suốt cả năm, họ duy trì lãi suất 0,25%/năm; Canada: tháng 1 và tháng 2/2009 là 1%/năm, tháng 3 là 0,5% năm và từ đó đến nay là 0,25%/năm; Anh: tháng 1: 1,5%/năm; tháng 2: 1%/năm, từ tháng 3 đến nay ổn định 0,5%/năm; Malaysia: tháng 2: 2,5%/năm, từ tháng 3 đến nay là 2%/năm.
Đối với Trung Quốc, lãi suất cơ bản là 5,31% từ đầu năm đến nay. Phải hiểu là sự thay đổi chính sách linh hoạt của ngân hàng trung ương nói là linh hoạt nhưng phải hết sức cẩn trọng.
Còn năm 2010, theo dự kiến của chúng tôi, lãi suất trong tháng Giêng sẽ điều chỉnh thêm từ 0,5%/năm đến 1%/năm, chứ không điều chỉnh từ tháng 12/2009.
Cũng có người đặt vấn đề vì sao không điều chỉnh sớm hơn một hoặc hai tháng nhưng nếu điều chỉnh sớm, mặc dù ngân hàng huy động được nhiều vốn hơn nhưng nhìn lợi ích toàn cục, cân nhắc giữa “được” và “mất”, chúng tôi thấy có thể làm lỡ nhịp hệ thống ngân hàng nếu theo hướng này, vì chính sách lãi suất luôn gắn liền với chính sách tỷ giá.
Tỷ giá là vấn đề rất khó của quốc gia. Trên thế giới hiện nay, điều hành tỷ giá nhìn chung có hai xu hướng.
Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc thực hiện chính sách tỷ giá “chốt cố định” rất nhiều năm, mãi tới tháng 1/1994 mới phá giá 50%.
Để làm được điều này, cán cân thương mại Trung Quốc xuất siêu từ 1991, họ tích lũy dự trữ ngoại hối rất lớn trong vòng 3 năm sau, mới công bố phá giá. Một xu hướng khác là thực hiện tỷ giá thả nổi theo kiểu “nước lên thuyền lên”.
Đối với Việt Nam, đang theo đuổi chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt theo cung cầu thị trường, có quản lý, có kiểm soát của nhà nước. Nhiều người khuyên tôi nên phá giá thêm, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải cân đối với nhiều vấn đề: nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp và tác động lạm phát.
Thử hỏi, vay nợ lúc 7 nghìn VND/USD nhưng sau đó phải trả tới 13 nghìn hay 18 nghìn VND/USD, ai chịu nổi?
Chưa kể, điều chỉnh tỷ giá còn tác động mạnh đến lạm phát. Ví dụ, khi giá xăng dầu đang là 78 USD/thùng, nếu điều chỉnh tăng tỷ giá, lập tức giá xăng tăng thêm, đẩy các giá các hàng hóa khác cao thêm.
“Chủ động, linh hoạt và thận trọng”
Vậy còn một số mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới cụ thể như thế nào, thưa Thống đốc?
Mục tiêu điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm tới là "tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát dưới 7%", do đó, mục tiêu tổng quát của Ngân hàng Nhà nước là "chủ động, linh hoạt và thận trọng".
Năm 2009, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 28% do tăng trưởng tín dụng ở mức 38% và đó là phù hợp. Nhưng năm 2010, chúng tôi sẽ giảm dần và có thể, tốc độ tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25%.
Bởi, nếu như trong năm 2009, chỉ số tăng trưởng tín dụng/GDP (28%/5,2%), tương đương 7,3 lần là do chống suy giảm kinh tế nên phải chấp nhận như vậy, thì trong năm 2010, chỉ số này chỉ duy trì 3,84 lần là phù hợp.
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy