Lãi suất thấp cho người dân, doanh nghiệp lúc này là vô cùng cần thiết

(Dân trí) - Theo chuyên gia, lãi suất thấp là yếu tố quan trọng để hỗ trợ phục hồi và lấy lại nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao.

Trao đổi với Dân trí, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - cho rằng Thông tư 14 không chỉ mang lại lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn mà còn cho chính các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh đó chỉ là "lợi ích trong ngắn hạn". Chính vì đó chỉ là lợi ích trong ngắn hạn nên sẽ tạo ra điểm nghẽn và lực cản khi thực hiện thông tư.

Việc giải bài toán này chỉ có một dư địa hẹp đó là các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả trong quá trình kinh doanh, hy sinh lợi ích của các cổ đông và sử dụng một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ với doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Lãi suất thấp cho người dân, doanh nghiệp lúc này là vô cùng cần thiết  - 1

TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam.

Thông tư 14 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đó sẽ triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, các TCTD cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất. Ông có nhận định gì về điều này?

- Ý nghĩa lớn nhất của Thông tư 14 là hỗ trợ khả năng thanh khoản của các cá nhân, doanh nghiệp. Các cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện đặt ra theo Thông tư sẽ không chịu sức ép về trả nợ hay rủi ro pháp lý liên quan tới việc không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ theo đúng cam kết theo hợp đồng tín dụng trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Nó cũng giúp cho hệ thống ngân hàng tránh được các rủi ro tăng vọt một cách đột biến về tỷ lệ nợ xấu trong bối cảnh hiện tại.

Như vậy, Thông tư 14 không chỉ mang lại lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn mà còn cho chính các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Xin nhấn mạnh đó chỉ là lợi ích trong ngắn hạn.

Chính vì đó chỉ là lợi ích trong ngắn hạn nên bản thân nó sẽ tạo ra điểm nghẽn và lực cản khi thực hiện thông tư. Những TCTD hoạt động trên nguyên tắc cẩn trọng và tính toán nhiều tới sự an toàn trong dài hạn của chính mình (và rộng hơn là của cả nền kinh tế) sẽ nhìn thấy rủi ro và chi phí nhiều hơn trong trung và dài hạn đối với họ từ Thông tư 14 so với các lợi ích ngắn hạn, do vậy sẽ rất thận trọng khi triển khai.

Họ có thể sẽ áp dụng chặt chẽ các điều kiện quy định trong thông tư để giảm bớt việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay lãi vay. Khi soi chiếu với các tiêu chuẩn của BASEL II hay III, các TCTD này hiểu rằng tái cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ không giúp loại bỏ hoàn toàn rủi ro nợ xấu, rủi ro pháp lý liên quan tới các khoản vay của các khách hàng là cá nhân hay doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh mà sẽ chỉ có thể giúp họ đẩy rủi ro vào tương lai, trì hoãn việc ghi nhận các khoản nợ xấu này tới thời điểm 30/06/2022 như quy định của Thông tư và kỳ vọng về một kịch bản tốt là khách hàng vay vốn được giãn hoãn nợ sẽ phục hồi được sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. 

Vậy việc hạ lãi suất để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này theo ông có cần thiết? Trong khi doanh nghiệp kiến nghị lãi suất hạ thấp hơn nữa còn phía ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn từ phía họ. Cân đối, giải bài toán này như thế nào thưa ông? Ông nhận định gì về câu chuyện này?

- Lãi suất thấp cho doanh nghiệp tại thời điểm này là vô cùng cần thiết, đặc biệt với các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Bên cạnh đó, lãi suất thấp là yếu tố quan trọng để hỗ trợ phục hồi và lấy lại nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao.

Nhưng lãi suất thấp không thể đến từ các quyết định hành chính hay các chỉ đạo của NHNN. Nó cần phải được thiết lập trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường tiền tệ cộng với sự đồng lòng chia sẻ của các TCTD, trong đó các nguyên tắc của thị trường tiền tệ đóng vai trò quan trọng.

Cần làm rõ rằng tiền mà các TCTD đang cho các cá nhân, doanh nghiệp vay và phần nhiều trong số đó đang gặp khó khăn không phải là tiền của các TCTD. Khoảng 9,8 triệu tỷ đồng tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm tháng 8 có nguồn gốc từ khoảng 12,6 triệu tỷ đồng nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và từ người dân trên toàn quốc. 

12,6 triệu tỷ đồng này không phải là tiền của các TCTD mà gần như hoàn toàn là tiền được các cá nhân, tổ chức kinh tế khác ủy thác vào các TCTD dưới hình thức tiền gửi và các TCTD phải trả lãi cho khoản tiền được ủy nhiệm sử dụng để cho vay lại này. 

Giảm lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn tới mức không tưởng xuống mức 0-1%/năm như một số đề nghị gần đây sẽ gây rủi ro nghiêm trọng tới lợi ích của người gửi tiền, mà rất nhiều trong số đó cũng là người làm công ăn lương, người về hưu, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp khác.

Với mức lãi trả cho khoản tiền gửi này trên thị trường đang ở mức trên dưới 4%, cộng với chi phí hoạt động của các TCTD, chi phí dự phòng bù đắp rủi ro và chi phí trả cho khoản tiền huy động được song không được cho vay (để đảm bảo dự trữ bắt buộc và khả năng thanh khoản), trực quan có thể cho chúng ta thấy được giới hạn mà TCTD có thể giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp và người dân ở mức độ nào.

Việc giải bài toán này chỉ có một dư địa hẹp đó là các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả trong quá trình kinh doanh, hy sinh lợi ích của các cổ đông và sử dụng một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ với doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, phần nào giảm bớt gánh nặng về chi phí lãi vay và phí dịch vụ ngân hàng mà các cá nhân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Điều này cho thấy ngành ngân hàng thực sự đang đi trên dây trong một môi trường đầy rủi ro và với nhiều mong muốn, kỳ vọng khác nhau của doanh nghiệp, người gửi tiền và nền kinh tế. Rất mong rằng nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại nhịp điệu bình thường với sự hồi phục của các doanh nghiệp hiện đang là đối tượng được hoãn, giãn nợ và lãi vay của các TCTD.

Điều đó sẽ đóng vai trò quyết định cho việc hóa giải một vấn đề đau đầu của ngành ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế hiện nay với nguy cơ tiềm ẩn trở thành một vấn đề thực sự đau đầu hơn vào giữa năm 2022.       

Với Thông tư 14, các chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng đang phải giải "bài toán chưa có tiền lệ", đó là vừa trợ giúp DN, vừa bảo đảm an toàn hệ thống. Ông nhận định ra sao về vấn đề này? Làm gì để bớt chuyện doanh nghiệp than thở "hạ lãi suất, hỗ trợ cơ cấu nợ chỉ có trên tivi"? Làm sao để rút ngắn khoảng cách hỗ trợ từ chính sách và thực tiễn, đơn giản tối đa các thủ tục, tăng tính dễ tiếp cận, giúp người dân, DN?

- Trước tiên là các nhà băng, các TCTD phải có ý chí và tâm nguyện thực sự chia sẻ với các doanh nghiệp, cá nhân và sử dụng năng lực trong phạm vi có thể của mình.

Phạm vi có thể đó là sử dụng lợi nhuận sau thuế sau khi cân đối đầy đủ về các dự phòng bù đắp rủi ro, bao gồm cả các khoản rủi ro nợ khó đòi cho các khoản vay được cơ cấu lại theo Thông tư 14 và các thông tư trước đây, tiết giảm chi phí hoạt động, tiền lương nhằm chia sẻ và giảm chi phí lãi vay và phí dịch vụ với khách hàng, đặc biệt các khách hàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Các cổ đông của các TCTD, lãnh đạo và các nhà quản lý ngân hàng sẽ phải hy sinh nhiều hơn trong giai đoạn này.

Song song với quá trình đó, các TCTD nên có các biện pháp để giúp khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiểu rõ được giới hạn họ có thể hạ lãi suất đến đâu để tạo sự chia sẻ và thông cảm từ chính các khách hàng vay vốn. 

Họ có thể làm rõ một vấn đề cơ bản là nguồn tiền mà các cá nhân, doanh nghiệp đang vay không phải là của ngân hàng mà là từ tiền gửi của các cá nhân và doanh nghiệp khác. Vì là tiền gửi nên các nhà băng cũng phải có trách nhiệm về tính an toàn cũng như lợi tức đối với khoản tiền mà họ được ủy nhiệm này, giống như trách nhiệm đối với khoản vay mà họ đã dành cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Và cuối cùng, các cơ quan quản lý, TCTC và doanh nghiệp cũng cần thống nhất quan điểm rằng an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng là yếu tố mang tính nền tảng và không thể bị đánh đổi. 

Nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam ngay trong giai đoạn này cũng như trong  trung hạn hay dài hạn. 

Chúng ta đã học được quá nhiều bài học từ các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ hay những bất ổn của hệ thống ngân hàng trong những thập niên gần đây, thậm chí trong những năm vừa qua.

Tầm nhìn hay quan điểm chung như vậy sẽ giúp doanh nghiệp và ngành ngân hàng có được tiếng nói và hành động chung để cùng nắm tay nhau bước qua những khó khăn trong hiện tại.

Xin cám ơn ông!