Lãi suất ngân hàng thấp chưa từng có, trái phiếu "đắt như tôm tươi"
(Dân trí) - Lãi suất ngân hàng giảm thấp chưa từng có khiến kênh huy động vốn là trái phiếu doanh nghiệp bán "đắt như tôm tươi".
Khảo sát thị trường cho thấy, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm thấp chưa từng có, một dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng qua kênh trái phiếu.
Giao dịch viên một ngân hàng trên phố Láng Hạ (Hà Nội) cho hay: Chỉ trong vòng 2 tháng qua, ngân hàng này đã huy động thành công khoản vốn lên tới 2.000 tỷ đồng. "Trái phiếu bán chạy lắm chị ơi, lãi suất 9,5%/năm, kỳ hạn 2 năm nhưng tròn 1 năm là có thể rút được vốn", giao dịch viên này cho biết.
Với lãi suất 9,5%/năm, 2.000 tỷ đồng trái phiếu mà ngân hàng đưa ra để huy động vốn chỉ mất có đúng 2 tháng; trong khi đó, nếu gửi lãi suất ngân hàng thì kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ được 5,7%/năm và kỳ hạn 1 năm được lãi suất 6,3%/năm.
Báo cáo đánh giá tác động của kênh trái phiếu và kênh tiền gửi, Trung tâm phân tích chứng khoán SSI - SSI Research cho biết: So với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.
Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại phát hành 42.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ mua các trái phiếu kỳ hạn 7 năm hoặc 10 năm với lãi suất thả nổi, cao hơn lãi suất tiền gửi 2-2,6%/năm hoặc có kèm cam kết mua lại trước hạn sau 1-5 năm ở lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi 0,6-1,2%/năm.
Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân trái phiếu phát hành sơ cấp dao động từ 10,1% đến 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm.
Khảo sát mức lãi suất các công ty chứng khoán và ngân hàng thương lại, lãi suất kênh trái phiếu trên thứ cấp thường thấp hơn từ 2-2,5%/năm trên sơ cấp, dao động từ 7,5%-10,5%/năm.
Theo SSI đánh giá, chính mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư. Lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất. Nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp có thể cao hơn từ 1,8-4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán/thanh khoản của doanh nghiệp.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại trong nước về việc yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu nợ hay vào công ty bất động sản.
Động thái này cho thấy Ngân hàng Nhà nước cũng có lo ngại trước tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao cho ngân hàng.
Giới chuyên gia cũng cho biết, vì ham lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang bị nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán và công ty chứng khoán (trực thuộc ngân hàng) bảo lãnh, thì ngân hàng mẹ sẽ chịu trách nhiệm.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu đều tin rằng được ngân hàng bảo lãnh. Chia sẻ với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa từng cho biết: "Tôi đã kiểm tra kỹ nhiều hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp và thấy rằng, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp rủi ro, nhà đầu tư sẽ mất trắng. Dù nhiều ngân hàng có ghi là “bảo lãnh”, nhưng ngôn từ rất khôn khéo, đẩy trách nhiệm cho công ty chứng khoán trực thuộc. Nhà đầu tư đọc loáng thoáng tưởng ngân hàng và công ty chứng khoán bảo lãnh, song thực tế công ty chứng khoán chỉ bảo lãnh phát hành".
Như vậy, nếu rủi ro xảy ra, tăng trưởng GDP giảm tốc, thị trường gặp khó khăn, doanh nghiệp ‘chết lâm sàng’, thì trái chủ sẽ mất trắng.
Từ ngày 1/9/2020, Nghị định số 81 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực. Trao đổi với Dân trí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng: Với các quy định được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 81 thì điều kiện tham gia phát hành chặt chẽ hơn. “Như vậy sẽ đảm bảo hơn đối với phía các nhà đầu tư khi tham gia thị trường này”, ông Đức nói.
Tuy nhiên theo ông Đức, "đầu tư gì chẳng có rủi ro, thậm chí bây giờ gửi tiền ngân hàng, nếu ngân hàng phá sản cũng chỉ có bảo hiểm tiền gửi. Không có kênh đầu tư nào an toàn tuyệt đối, nhà đầu tư tham gia thị trường phải chấp nhận”.
Do vậy bên cạnh hành lang pháp lý, ông Đức cho rằng quan trọng nhất vẫn là tư duy, tầm nhìn của nhà đầu tư khi tham gia thị trường này. “Nếu thông thạo thì có thể bỏ tiền mua những cái rủi ro cao để đem về lợi nhuận cao”, ông Đức nói.