Lãi suất huy động VND sẽ lên đến 15%/năm

Thủ tướng Chính phủ vừa có lệnh dỡ bỏ trần lãi suất huy động tiền đồng (VND). Các ngân hàng dự báo, lãi suất huy động sắp tới đây có thể sẽ còn tăng cao hơn mức cao nhất của cuộc chạy đua vào tháng 2 vừa qua.

SCB "thần cơ diệu toán" hay… xé rào?

Sáng 14/4/2008, Thanh tra NHNN chi nhánh TPHCM kết thúc buổi làm việc 2 ngày qua với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Văn bản không hề ghi bất cứ dòng nào kết luận việc làm của SCB là sai hay đúng.

Trước đó ngày 5/3, SCB có văn bản trình Bộ Công Thương xin phép phát hành kỳ phiếu với tổng số huy động 3.000 tỷ đồng. Có 2 loại kỳ phiếu là 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng và có khuyến mãi. Ngày 12/3 Vụ Chính sách Tiền tệ có văn bản trả lời đồng ý. Trong văn bản trả lời và đồng ý cho phát hành kỳ phiếu, Vụ chính sách Tiền tệ không hề có ý kiến về lãi suất.

Tranh cãi đã khiến Thanh tra ngân hàng Nhà nước buộc phải vào cuộc. Thế nhưng ngay chính trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ lại có đề nghị dỡ bỏ trần lãi suất. Từ một chỗ bị cho là xé rào, phá luật, SCB đã phải được công nhận là người đi tiên phong trong việc phá bỏ quy định đã thắt chặt các ngân hàng thời gian vừa qua.

Tuy nhiên khi SCB chính thức phát hành kỳ phiếu, trong hệ thống các ngân hàng có nổi lên một số ý kiến phản đối. Có ngân hàng cho rằng đồng nghiệp SCB chơi không đẹp, không những phạm luật chơi chung là thỏa thuận với Hiệp hội ngân hàng VNBA, mà còn vi phạm luật của Nhà nước là công điện 02. Tuy nhiên cũng có nhiều ngân hàng ủng hộ việc SCB đi trước để mở đường cho việc dỡ bỏ rào cản thắt chặt kinh doanh tiền tệ.

Lãi suất sẽ tự điều tiết

“Bỏ trần lãi suất huy động là một cái nhìn sáng suốt của Chính phủ. Chứng tỏ Chính phủ đang nỗ lực điều hành nền kinh tế theo quy luật, chứ không muốn mệnh lệnh hành chính” - ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc NHTM CP An Bình (ABBank) nhận định.

Tổng Giám đốc ABBank nói rằng chủ trương này đã trả lại cho lĩnh vực tài chính tiền tệ trở về với bản chất thị trường. Và đây là dịp mở ra cho các ngân hàng huy động được vốn, giải quyết tình trạng khó khăn do chính sách tiền tệ bị thắt chặt thời gian qua.

“Theo thông lệ, cách tốt nhất chống lạm phát là hút tiền trong dân về, và lãi suất là công cụ tốt nhất. Chủ trương này là phù hợp với quy luật. Vấn đề còn lại là Chính phủ tính toán và dự báo con số lạm phát như thế nào để người dân gửi tiền vào NH” - ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), nói.

Theo dự đoán của các NH, với việc Chính phủ yêu cầu ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ trần lãi suất lần này, các ngân hàng có thể huy động lên đến 15%/năm.

Theo ý kiến của khá nhiều NH thương mại, công điện 02 đã bình ổn được cuộc chạy đua lãi suất giữa các NH, tuy nhiên bên cạnh đó còn thể hiện khá nhiều điểm không chắc chắn bởi quy định lãi suất trần 12%/năm là một quy định lỏng lẻo, không rõ kỳ hạn nào.

Một yếu tố để chứng minh là cuối năm 2007, các NH trên cả nước đạt được phong độ tốt nhất, ở các yếu tố: có quy mô vốn lớn, quy mô và tầm hoạt động rộng lớn, lãi suất cao, nợ xấu và rủi ro thấp. Thế nhưng bước sang đầu 2008, hầu hết các NH rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Ngoài lạm phát, các chính sách thắt chặt tiền tệ là yếu tố đã có tác động trực tiếp.

Theo Đặng Vỹ
VietNamnet