Lãi suất huy động VND lên tới 9,99%

(Dân trí) - Các ngân hàng đã tìm thấy tiếng nói chung trong việc giảm lãi suất USD, nhưng cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi VND vẫn chưa có điểm dừng. “Đỉnh” lãi suất huy động VND lên tới 9,99%/năm.

Lãi suất huy động VND lên tới 9,99% - 1
Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng (ảnh: Hữu Nghị).
 
Theo thông báo của Ngân hàng An Bình (ABBank), từ 10/6, ngân hàng này triển khai 2 sản phẩm tiết kiệm mới với lãi suất lên tới 9,99%/năm. Để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải có số tiền gửi tối thiểu là 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày; hoặc 99 triệu đồng gửi trong 900 ngày.
 
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND từ 0,1 - 0,7%/năm, nâng lãi suất tiết kiệm bậc thang VND của ngân hàng này lên 7,8 - 9,25%/năm…
 
Như vậy, “đỉnh” lãi suất huy động VND đang thuộc về mốc 9,99%/năm - cách trần lãi suất có 0,51%. Trước đó, lãi suất huy động cao nhất trên thị trường ghi nhận ở mốc 9,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng, thuộc về Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HDBank).
 
Ngược với mặt bằng lãi suất huy động VND, sau một thời gian dài tìm kiếm tiếng nói chung, kể từ ngày 8/6, không chỉ có các ngân hàng thương mại Nhà nước mà khối cổ phần cũng đồng loạt đưa lãi suất huy động USD về mức 1,5%/năm và cho vay không quá 3%/năm.
 
Một số ngân hàng dù không đưa lãi suất huy động USD về mức 1,5%/năm, nhưng biểu lãi suất mới đã thấp hơn, như: lãi suất USD thấp nhất của VIB là 0,5%/năm đối với loại không kỳ hạn; cao nhất là 2,25%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; lãi suất tiết kiệm USD bậc thang của SHB theo kỳ hạn dao động từ 0,5 - 2,1%/ năm.
 
So với tuần trước, mặt bằng huy động USD trên thị trường đã giảm khoảng 0,4 - 0,6%/năm và nhiều dấu hiệu còn tiếp tục giảm thêm. Chủ trương giảm lãi suất huy động lẫn cho vay ngoại tệ của các ngân hàng được đánh giá là một hành động khá thiết thực nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn USD thay vì chỉ đi mua USD…
 
Tuy nhiên, theo phản hồi từ một số doanh nghiệp, việc giảm lãi suất cho vay USD mới chỉ là điều kiện cần, chưa thực sự thúc đẩy họ trở lại vay vốn. Bởi khi vay vốn USD, doanh nghiệp lo ngại những rủi ro từ biến động của tỷ giá như từng xảy ra trong năm qua.
 
An Hạ