Lãi suất huy động USD đã vượt 6%/năm

Từ từ leo lên gần hai tuần nay, lãi suất tiết kiệm USD cao nhất trên thị trường đã lên đến 6,1%/năm ở NH Việt Nam Tín Nghĩa, một số NH khác cũng ở quanh mức 5,8 - 6%/năm.

Lãi suất huy động USD đã vượt 6%/năm - 1
Lãi suất USD bất ngờ biến động.
 
Đây là mức lãi suất huy động USD ở một số ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, còn những ngân hàng thương mại lớn thì mới có ngân hàng ACB cuối tuần qua điều chỉnh lên mức cao nhất là 5% kể cả lãi thưởng.

Nhưng để hưởng được mức lãi suất 4,2% ở Techcombank, hay 4,9%/năm ở ACB không dễ, người gửi phải gửi ít nhất 300.000 USD, tương đương gần 6 tỉ đồng (tỷ giá 19.500 đồng/USD) với kỳ hạn 3 tháng.

Theo các ngân hàng, bởi lượng kiều hối cuối năm đổ về nhiều nên ngân hàng tăng lãi suất để hút luồng ngoại tệ này vào, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay cuối năm lên cao của doanh nghiệp.

Tăng huy động tiền đô

Nhu cầu mua USD đã bớt áp lực khi ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong báo cáo hoạt động ngân hàng gần nhất, cho biết trong tháng 12, cơ quan này “can thiệp bán ngoại tệ ở mức độ thích hợp cho các nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thiết yếu và thực hiện các biện pháp khác để ổn định thị trường ngoại hối”.

Ngoài ra, nguồn cung USD cũng được bổ sung từ lượng kiều hối cuối năm. Cộng thêm, nguồn cung USD từ lượng kiều hối cuối năm, như vậy, ngoài sự điều hoà tiếp tế từ NHNN, có thể thấy các ngân hàng bằng lãi suất đang tranh thủ hút lượng kiều hối cuối năm.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã giảm khá nhiều so với mức tăng mạnh hồi tháng 11, hiện xuống dưới 21.150 đồng đổi một USD. Trong khi đó, giá mỗi đồng USD bán ra cho doanh nghiệp ở các ngân hàng thương mại đang thấp hơn giá thị trường tự do khoảng 300 đồng.

Theo giám đốc khối ngoại hối một ngân hàng, lý do chính để lãi suất USD tăng là do thanh khoản tiền đồng. Kể từ khi có hiệu lực vào tháng 10, một trong những quy định khắt khe nhất trong thông tư 13 là các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay khiến các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ, gặp trở ngại về thanh khoản ngắn hạn.

Trong khi đó, ngoài thị trường dân cư, lãi suất huy động tiền đồng đã được đẩy lên đến 16%/năm, ở tầm khá cao so với lãi suất huy động USD là 6%. Thay vì tập trung vào tiền đồng với mức lãi suất quá cạnh tranh, một số ngân hàng bắt đầu xoay sang USD để tìm lối ra. Bởi theo thông tư 13, dư nợ tính trên số dư huy động USD hay VND cũng được xem như nhau.

Tránh rủi ro tỷ giá?

Việc tăng huy động tiền gửi bằng USD một phần giải bài toán chi phí vốn cho ngân hàng không quá cao, khiến cho đầu ra thuận lợi hơn. Hiện nay, lãi suất vay USD đang thấp hơn 10 – 12% so với lãi suất vay tiền đồng.

Đến cuối năm 2010, tín dụng bằng USD tăng gần gấp đôi so với bằng tiền đồng. Song, đó là mức tăng trưởng, còn nếu tính về số tuyệt đối thì dư nợ bằng tiền đồng vẫn lớn hơn nhiều so với dư nợ USD. Và theo quy định, không phải ai cũng vay được USD.

Người vay USD chủ yếu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và không phải ngân hàng nào cũng cho vay USD được (ngoài tìm khách, còn phải tính đến khả năng trả nợ bằng ngoại tệ đối với khách vay nhập khẩu).

Vì vậy, theo giám đốc ngoại hối trên, một số ngân hàng đã hoán đổi một phần lượng USD huy động sang tiền đồng để có thanh khoản tiền đồng cho vay. Tuy nhiên, khi làm vậy, họ phải chấp nhận rủi ro tỷ giá thời điểm chuyển hoá lại sang vốn USD.

Với kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ có thay đổi trong quý 1 tương tự như năm 2010, giám đốc ngoại hối một ngân hàng nước ngoài cho biết, gần đây không ít doanh nghiệp nhập khẩu vay USD cũng chuyển sang vay tiền đồng nhằm tránh rủi ro tỷ giá.

Giả sử, vay USD hôm nay giá 21.000 đồng/USD, tháng sau họ trả nợ giá USD lên 22.000 đồng/USD, mức tăng có thể lớn hơn chênh lệch lãi suất USD/VND, vì vậy, họ vay tiền đồng mua USD giá hiện tại để nhập và trả nợ.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT