Lãi suất huy động bất ngờ tăng trở lại
(Dân trí) - Động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng cổ phần được đánh giá là khá bất ngờ, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và những nỗ lực giảm lãi suất cho vay của Chính phủ.
Lãi suất huy động “nhúc nhích” tăng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa phát đi thông tin về sản phẩm "Tiết kiệm tài lộc", ngoài các kỳ hạn 4 - 7 - 13 tháng, năm nay sản phẩm đã có thêm các kỳ hạn dài 15 - 18 - 24 - 36 tháng với mức lãi suất cao hơn các kỳ hạn thường.
Trong đó, mức lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn 4 tháng là 5,5% còn mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 36 tháng lên đến 8,4%. Khách hàng sẽ được nhận tiền lãi cuối kỳ đảm bảo cho các kế hoạch tài chính của mình. Ngân hàng này cho biết, nhằm tạo thuận tiện nhất cho khách hàng, sổ tiết kiệm có thể được chuyển nhượng, cầm cố, chiết khấu hoặc tái chiết khấu theo quy định của TPBank. Ngoài ra, số tiền gửi cũng chỉ cần đạt tối thiểu 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức cao nhất lên tới 7,7%/năm, kể từ ngày 14/6. Theo đó, khi gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng này, người gửi tiền được hưởng lãi suất là 7,5%/năm và những khách hàng từ 39 tuổi trở lên tham gia chương trình tiết kiệm 39+ ưu việt được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng mức lãi suất 4,6%/năm nhưng nếu tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi tiền nhanh tay, nhận quà như ý” lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn thêm khoảng 0,1% - 0,2%/năm…
Động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng cổ phần được đánh giá là khá bất ngờ, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và những nỗ lực giảm lãi suất cho vay của Chính phủ. Trên thị trường ngân hàng, thông qua việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, ước tính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng gần 89.000 tỷ đồng trong 5 tháng qua.
Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), lãi suất huy động thời gian tới sẽ tăng nhẹ nhằm bảo đảm thanh khoản tín dụng (quý III/2016, dự kiến tín dụng tăng 10% -11%), nhằm cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ và diễn biến lạm phát.
Lãi suất cho vay khó giảm
Dữ liệu từ NHNN cho thấy: Thời gian gần đây, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt còn 0,66%/năm, 0,94%/năm và 2,87%/năm. Mức lãi suất 0,66%/năm là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm nay, cộng với giao dịch trên thị trường mở (OMO) nhiều thời điểm ở mức thấp và không đáng kể, cho thấy nhiều ngân hàng đang cải thiện rõ rệt thanh khoản.
Nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. “Với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại (CPI cuối tháng 5 đã đạt mức 2,28% trong khi cùng kỳ năm 2015 mới đạt 0,95%), NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền”, BVSC nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong hai tuần đầu tháng 6, NHNN đã phát hành trở lại tín phiếu ngân hàng kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. Động thái này có thể nhằm mục đích hút bớt lượng tiền dư thừa trong hệ thống về.
Vậy nên, việc một số ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất huy động trong khi thanh khoản hệ thống dư thừa được đánh giá chỉ là động thái nhằm kích thích nhu cầu của người gửi tiền. Dẫu vậy, động thái này cũng khiến một số chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong những tháng từ nay đến cuối năm.
Còn nhớ, tại nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 vừa ban hành, Chính phủ chính thức nêu cụ thể yêu cầu giảm lãi suất cho vay đối với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, ngày 29/4, tại hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cùng nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Ngay sau hội nghị trên, nhiều ngân hàng thương mại công bố chính sách giảm lãi suất. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), “cửa” để thực hiện chủ trương trên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ sáng lên.
Ông Hưởng cho rằng: Việc tăng, giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế không phải muốn là được, không thể làm theo phong trào mà phải dựa trên cơ sở khoa học, quy luật cung cầu, chỉ số lạm phát và tín hiệu của thị trường.
Bên cạnh đó, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất không phải là cây đũa thần, mà cần có sự đồng bộ bằng cả gói giải pháp đủ mạnh liên quan đến cả cơ chế và sự vận hành của các cấp, các ngành liên quan, và không thể thiếu sự tự khẳng định mình của mỗi doanh nghiệp.
“Nhưng theo tôi, lời hiệu triệu của Thủ tướng là sự khởi đầu của một thông điệp, mục tiêu và nếu có sự quyết tâm đồng bộ sẽ làm được. Bản thân các ngân hàng, cơ sở đầu tiên là cân đối lại chặt chẽ các nguồn vốn, chọn lọc khách hàng tốt và tiết giảm chi phí hoạt động”, TS.Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền