Lãi suất giảm, tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng mạnh
(Dân trí) - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Lạm phát ổn định đã tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Điều đáng mừng là xu hướng này đã không ảnh hưởng đến kênh gửi tiết kiệm.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trênFICA: * Nhân viên ngân hàng, bất động sản có thu nhập cao nhất * Từ 12/2015, xăng sinh học E5 sẽ được bán trên toàn quốc |
Với mức tăng 4,98% so với cùng kỳ của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở tỷ lệ thấp hơn 5% trong những tháng đầu năm 2014. Con số này cho thấy tổng cầu vẫn chậm hồi phục.
Và theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, “nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ là khoảng 5%”.
Cũng theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lạm phát ổn định đã tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến tháng 5, lãi suất huy động đã giảm đáng kể, trong đó kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,8% so với đầu năm, từ mức 7,2% còn 6,4%/năm.
Đáng mừng là xu hướng này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng. Cụ thể, tính đến tháng 5, tiền gửi bằng VND vẫn tăng 7,1% so với đầu năm. Nguyên nhân, theo đánh giá tại bản báo cáo, là do tỷ lệ lạm phát giảm 1,4%, từ mức 6,1% trong tháng 12/2013 xuống 4,7% trong tháng 5/2014, giúp duy trì lãi suất thực.
Trong bối cảnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng duy trì tốt. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5/2014 bởi cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động nội tệ. Tính đến tháng 5/2014, cho vay VND đã tăng 1,1% so với đầu năm trong khi tiền gửi bằng VND tăng 7,1%.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực nhất định bởi tính đến tháng 5, trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5% thì cho vay ngoại tệ đã tăng tới 7% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5/2014. Chính vì thế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% lên khoảng 0,4% và dao động mạnh hơn.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5 - 8,3%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tuần qua bằng VND đạt xấp xỉ 141.686 tỷ đồng, bình quân khoảng 28.337 tỷ đồng/ngày; bằng USD quy đổi ra VND đạt 68.497 tỷ đồng, bình quân khoảng 13.699 tỷ đồng/ngày. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 38% tổng doanh số VND), 1 tuần (chiếm 29%) và 2 tuần (chiếm 11%).
Do đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, từ nay đến hết năm 2014, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đặt mục tiêu tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014. Đồng thời, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, căn cứ diễn biến lạm phát để điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% năm 2014 nhằm bảo đảm vốn đầu tư cho nền kinh tế.