1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất giảm, kênh gửi tiết kiệm vẫn “hút” khách

(Dân trí) - Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, xuống mức 5 - 7%/năm với kỳ hạn ngắn nhưng tiền gửi VND của dân cư đến giữa tháng 9 vẫn tăng 13,78% so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy, gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay.

Tiền gửi VND của dân cư tăng mạnh (ảnh minh họa).
Tiền gửi VND của dân cư tăng mạnh (ảnh minh họa).


Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, giảm khoảng 7-10%/năm so với thời điểm giữa năm 2011.

Hiện nay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng phổ biến: không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 1 -1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5 -7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 6,5 -7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,5 - 9%/năm. Lãi suất huy động bình quân khoảng 6,8%/năm, nếu tính cả chi phí dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh toán, thì lãi suất tiền gửi bình quân khoảng 7,16%/năm, phù hợp với kỳ vọng lạm phát đến cuối năm 2013 và cả năm 2014.

Theo khẳng định từ Ngân hàng Nhà nước, mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng người dân vẫn yên tâm gửi tiền vào các tổ chức tín dụng với kỳ hạn dài hơn. Điều này cho thấy gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác trong điều kiện lạm phát hiện nay và mục tiêu ổn định tỷ giá.

Tính đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư tăng 13,78% so với cuối năm 2012. Thanh khoản của hệ thống về cơ bản được đảm bảo giúp lãi suất diễn biến tích cực. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp.

Việc lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 7-9%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ từ 6,5-7%/năm.

Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng tích cực giảm. Đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%, tăng 41,6% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm chiếm khoảng 16,77%, giảm 29,3% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012.

Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước cho hay: Cơ quan này đã điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn tăng cường giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về lãi suất của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm nhằm thiết lập kỷ cương trên thị trường; đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất tiền gửi tối đa, tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay mới ở mức hợp lý, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên cơ sở khả năng tài chính để chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ dân.

Nguyễn Hiền