1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất “đè” doanh nghiệp

Bắt đầu từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, xu hướng tăng lãi suất rõ nét hơn trong mấy ngày gần đây, khi các NHTM cổ phần đồng loạt công bố tăng lãi suất huy động.

Mới đây, Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố tăng cao lãi suất tiền gửi VND. So với mức lãi suất cũ, lãi suất mới có mức tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 0,24-0,6%/năm, nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên mức 8,52%/năm, 6 tháng 8,78%/năm, 12 tháng 9,18%/năm...

 

Ngoài việc tăng lãi suất, ACB còn cộng thêm lãi suất thưởng là 0,0185%/tháng hoặc 0,162%/năm cho các thẻ tiết kiệm có số dư từ 1 tỷ đồng hoặc 60.000 USD trở lên.

 

Ngay sau đó, VPBank lại công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND và USD ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,12-0,36%/năm với VND và 0,2-0,3%/năm đối với USD.

 

Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng tăng lãi suất tiền gửi VND ở hầu hết các loại kỳ hạn kể từ ngày 9/7. Cả ACB và Eximbank đều áp dụng chính sách thưởng bậc thang đối với khách hàng có số dư tiền gửi cao và kỳ hạn dài.

 

Một số chi nhánh NHTM quốc doanh như Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Công thương cũng tăng lãi suất gián tiếp qua quy định thưởng cho khách hàng.

 

Tại buổi gặp gỡ đột xuất với các ngân hàng trên địa bàn TPHCM, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy yêu cầu các đơn vị này cân nhắc kỹ trước cuộc đua lãi suất huy động hiện nay, đồng thời hạn chế tối đa việc tăng lãi suất cho vay.

 

Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tính theo kỳ hạn năm đã vượt qua mức 9%/năm, có ngân hàng đã vượt 9,5%/năm. Lãi suất huy động không phải tăng lên một lần, mà còn tăng lên mấy lần trong vòng mấy tháng.

 

Không những tăng lên về lãi suất, các ngân hàng thương mại còn đua nhau đưa ra các chiêu khuyến mãi khá hấp dẫn, từ thưởng vàng, ôtô, du lịch nước ngoài, lãi suất phụ thêm nếu gửi số tiền lớn...

 

Cạnh tranh khốc liệt hơn, trong khi chi phí vay vốn tăng sẽ làm cho sức cạnh tranh của các DN khó khăn hơn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào đã tăng rất nhiều so với năm trước. DN luôn chật vật trong tính toán chi phí đầu vào, nay phải cộng thêm lãi suất vốn vay ngân hàng, chắc chắn lợi nhuận giảm sút.

 

Lãi suất các NHTM đã tăng khá cao trong 6 tháng đầu năm và vẫn đang trong xu hướng tiếp tục tăng, tạo ra nhiều rủi ro đối với DN vay vốn và đối với bản thân các ngân hàng.

 

Nguyên nhân do các ngân hàng thương mại thuộc các loại hình kinh tế có sự cạnh tranh với nhau trong việc huy động vốn, sợ rằng nếu không tăng lãi suất huy động thì tiền gửi của ngân hàng mình sẽ “chạy” sang ngân hàng có lãi suất huy động vốn cao hơn.

 

Hơn nữa, các ngân hàng thương mại đã dự đoán được yêu cầu về vốn từ nay đến cuối năm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên đến 8,6% trong 6 tháng cuối năm, bởi 6 tháng đầu năm mới đạt 7,4%...

 

Điều đáng lo ngại hơn là chính các ngân hàng đang sử dụng lãi suất trong “cuộc chiến” giành giật thị phần và DN khó khăn hơn cả. Mặt bằng lãi suất tăng lại càng làm cho các nhà sản xuất, kinh doanh bất lợi khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu và phải mở rộng cửa hơn, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, cho các tập đoàn đa quốc gia, cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm