Lãi suất cho vay có thể xuống mức 10%?

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết, lạm phát xuống thấp là cơ sở để tuần tới Chính phủ họp bàn cân nhắc khả năng chỉ đạo giảm lãi suất. Hiện nay, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay với lãi suất 10 - 11%.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đã cho biết như vậy tại hội thảo quốc tế "Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam - Tư duy chiến lược của nhà quản trị 2013-2015", diễn ra tại Hà Nội,  ngày 30/11.

Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong khi lãi suất cho vay trung bình 12-15% là quá cao. Trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, lãi suất huy động lý tưởng vào khoảng 7,5-8%, cộng thêm 2,5-3% chi phí, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay với lãi suất 10%.

Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức (ảnh minh họa).
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức (ảnh minh họa).

Chính phủ kiên quyết không đi vay để ăn, để đầu tư

Theo đánh giá của ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, lạm phát hiện vẫn cao khoảng 7,5% nhưng đến năm 2014 và 2015 lạm phát có thể đạt ở mức trung bình thấp của chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chưa bao giờ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lại cao như vậy, thu ngân sách Nhà nước cũng rất khó khăn. Mọi năm vào thời điểm này thu ngân sách đều đã đạt 100% năm, nếu năm nào thấp thì cũng đạt 94% năm, nhưng năm nay mới được 85%.

Do đó, ông Muôn khuyến cáo: “Năm tới, doanh nghiệp đừng trông chờ nhiều vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà phải tìm nguồn khác như ODA, FDI… Chính phủ kiên quyết không đi vay để ăn, để đầu tư”.

Nói về hiện trạng nền kinh tế, ông Muôn cho hay, cùng với tình trạng hàng tồn kho cao là nợ xấu gia tăng trong các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản. Tình hình nợ xấu đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Trong khi tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 12,7% so với 31/12/2011 nhưng tín dụng tăng trưởng ở mức thấp, khoảng 2,52%. Một bộ phận lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn ngân hàng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Các ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay nhưng tín dụng đưa ra chưa nhiều.

“Chính phủ rất thông hiểu tình cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Đến năm 2015 khi lạm phát về 6% thì lãi suất cho vay ở mức 8%. Chênh lệch giữa huy động và cho vay phải hẹp lại. Tinh thần điều hành của Chính phủ là sang năm 2013 phải đưa tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước họp bàn để đưa lãi suất xuống. Lãi suất huy động khoảng 8 - 9%, cộng thêm các loại phí nữa thì các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với lãi suất vay khoảng 10 -11% là hợp lý”, ông Phạm Viết Muôn nói.

 

Việt Nam - Công xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới?

Phát biểu tại Hội thảo "Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam - Tư duy chiến lược của nhà quản trị 2013-2015", TS. Patrick Dixon, Chủ tịch của Global Change, một trong những nhà tư duy chiến lược kinh tế vĩ mô và quản trị đương đại hàng đầu thế giới đánh giá, mặc dù đang phải đối mặt với tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn là quốc giá có nhiều tiềm năng để phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, lợi thế của Việt Nam là nhân tố con người với hơn 90 triệu dân đang ở độ tuổi trung bình - một quốc gia với dân số trẻ và tỷ lệ biết chữ lên tới 94%; 80% dân số đều học lên cấp 2; chi phí nhân công cũng chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc hoặc Thái Lan. Trong hơn 2 thập kỷ qua, tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam là 7%, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có tốc độ phát triển 9,9%.

TS. Patrick Dixon cũng dự báo: “Nhìn lại 25 năm qua, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 200 tỷ USD; có đến 14 nghìn dự án đầu tư công nghiệp, trong đó có sự xuất hiện của Canon, Samsung và đacự biệt là nhà máy của Intel tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư lên tới 1 tỷ USD… Theo đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò là xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai không xa”.

Để có thể thu hút được tốt hơn nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, theo TS. Patrick Dixon, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng các chi phí cho việc cải tổ. Nếu khi một doanh nghiệp làm ăn yếu kém bị đóng cửa sẽ có các doanh nghiệp khác gia nhập thị trường để thay thế.

“Trong giai đoạn từ 4 - 5 năm tới, nếu Việt Nam có thể cải tổ được các doanh nghiệp nhà nước để họ có thể có lại sức mạnh cạnh tranh, tìm được những đối tác tốt, những nhà đầu tư tốt từ bên ngoài thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng được rằng chúng ta có thể thay đổi tình thế. Đây là trận chiến rất gay gắt, nếu chúng ta chuyển đổi được tầm nhìn của một quốc gia, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng thì nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng có mặt tại Việt Nam để đầu tư”, TS. Patrick Dixon nói.

Và cũng theo nhận định của vị diễn giả này, ban đầu những nhà đầu tư thế giới đến Việt Nam trong thời gian tới có thể chỉ là những nhà đầu tư bán hàng trên phố, cửa hàng nhỏ, rồi tiến tới cao hơn là sản xuất chip điện tử, gia công smartphone cho các công ty điện thoại và tương lai xa có thể hướng đến công nghệ sinh học…

 
Nguyễn Hiền