Lãi suất chênh lệch: Cá lớn sẽ “nuốt” cá nhỏ?!

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm các mức lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mức lãi suất cho vay của khối NHTMQD có nơi đã giảm xuống mức thấp nhất 10%/năm - thấp hơn mặt bằng lãi suất khối NHTMCP khoảng 13,5%/năm.

Trước đây, lãi suất cho vay của khối NHTMCP luôn hấp dẫn hơn khối NHTMQD và hiện tại, dù muốn đẩy mạnh cho vay, các NHTMCP cũng khó giảm lãi suất sâu hơn.

Đại diện một số ngân hàng cho rằng, lãi suất của khối NHTMQD đang làm khó khối NHTMCP, bởi lãi suất của khối này giảm quá sâu, khối NHTMCP khó theo kịp.

Theo thống kê của NHNN, đối với khối NHTMQD, hiện mức lãi suất cho vay bằng VND thấp nhất là 0,83%/tháng (10%/năm), mức phổ biến là 1,08 - 1,17%/tháng (13 - 14%/năm), cao nhất là 1,25%/tháng (15%/năm).

Các mức lãi suất này tương đương với mức lãi suất hồi cuối năm 2007 và thấp nhất trong năm 2008 (giảm 6 - 11%/năm so với thời điểm cao nhất cuối tháng 6/2008).

Trong khi đó, lãi suất cho vay của khối NHTMCP cao hơn: tại Ngân hàng Việt Á, thấp nhất là 1,13%/tháng (13,5%/năm), cao nhất 15%/năm; tại Ngân hàng Liên Việt, thấp nhất là 1,08%/tháng (13%/năm), cao nhất 15%/năm; tại Ngân hàng An Bình, thấp nhất là 1,15%/tháng (13,75%/năm), cao nhất 15%/năm…

Đại diện một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội nhận định, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng sự chênh lệch lãi suất cho vay đang khiến một lượng khách hàng của các NHTMCP chuyển hướng sang vay tại các NHTMQD.

Biết vậy nhưng vẫn phải chấp nhận, chứ không thể hạ lãi suất cho vay bình quân xuống mức 10%/năm như các NHTMQD, một số ngân hàng có chính sách lãi suất ưu đãi 8 -10%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng cho số ít khách hàng quen thuộc hoặc DN xuất khẩu có cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. "Thà không cho vay còn hơn cho vay để phải chịu lỗ", vị đại diện này nói.

Mặc dù trong những cuộc đua tăng lãi suất huy động thời gian trước, các NHTMQD không đứng ngoài cuộc, nhưng mức lãi suất huy động của khối này không dâng cao theo lãi suất huy động của các NHTMCP.

Sự "tỉnh táo" này hiện đang là lợi thế khiến cho các NHTMQD chủ động hơn với tín hiệu lãi suất mới của NHNN. Ngoài ra, theo vị đại diện NHTMCP nói trên, kể cả khi lãi suất huy động của khối NHTMQD được đẩy lên cao trong cuộc đua tăng lãi suất hồi đầu năm thì khối này vẫn có lợi thế, bởi họ có nhiều nguồn vốn huy động rẻ hơn nên tính bình quân thì khi hạ lãi suất cho vay, khối ngân hàng này vẫn có thể bù đắp được.

Đại diện một NHTMCP khác cho rằng, lãi suất cho vay của các NHTMCP vẫn trong khoảng 13 - 15%/năm, khó có thể giảm sâu hơn vì tuy lãi suất cơ bản đã giảm, nhưng nhiều khoản huy động với lãi suất cao trước đây vẫn chưa đáo hạn.

Nhiều ngân hàng có những hợp đồng huy động 6 tháng hoặc trên 6 tháng với lãi suất 17 - 18%/năm đến tháng 12 mới đáo hạn, thậm chí đến tháng 1 - 2/2009 mới đáo hạn.

Được biết, nguồn vốn huy động với lãi suất cao trước đó không giải ngân được vào các khoản cho vay tín dụng mà được các NHTMCP dùng để đầu tư vào những lĩnh vực khác như trái phiếu chính phủ, vì tính thanh khoản cao, lãi suất cũng khá hấp dẫn.

Một số NHTMCP cho biết, phải đợi đến hết quý I/2009 và NHNN vẫn giữ lãi suất cơ bản như hiện tại thì họ mới giảm dần lãi suất cho vay để đuổi kịp khối NHTMQD, còn nếu lãi suất cơ bản tiếp tục được điều chỉnh giảm thì mức lãi suất cho vay giữa 2 khối ngân hàng sẽ lâu gần nhau hơn.

Theo Gia Linh
Đầu tư Chứng khoán