Lãi suất cao làm nghẽn dòng tín dụng
Mức lãi suất tín dụng hợp lý, theo các chuyên gia chỉ ở mức 11 - 14%/năm - không quá rẻ để khuyến khích đầu tư kém hiệu quả nhưng cũng không quá cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn và nền kinh tế trì trệ.
Việc hoãn thời hạn nâng vốn điều lệ một số ngân hàng đã giúp cải thiện thanh khoản của hệ thống.
“Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chúng tôi đã chững lại cả tháng nay rồi”, tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Phước Thanh cho biết.
Tăng trưởng tín dụng chững lại
Mặc dù hạn mức tăng trưởng tín dụng của Vietcombank vẫn còn, song mặt bằng lãi suất tín dụng bị đẩy lên quá cao (trên dưới 20%/năm) nên bản thân ngân hàng cũng không dám cấp vốn bởi lo ngại rủi ro.
Cũng theo ông Thanh, thời gian qua, ngân hàng chủ yếu giải ngân cho những hợp đồng đã được ký kết trước đó - phần lớn là vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất tương đối ổn định.
“Cho vay lãi suất quá cao cũng như tự thắt cổ mình. Doanh nghiệp nào dám chấp nhận vay bằng mọi giá, chúng tôi cũng phải thận trọng. Vì phải trả chi phí vốn cao, tức là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đó thấp, cho thấy tài chính của họ yếu kém, đồng nghĩa khó hoàn thành nghĩa vụ trả nợ”, ông Thanh giải thích.
Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) Trương Văn Phước cũng thông tin, trong khoảng hai tuần đầu tháng 12, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng đã chậm lại và sẽ tiếp tục xu hướng này từ nay đến hết năm. Tình trạng này diễn ra với hầu hết các tổ chức tín dụng, bởi lượng vốn đầu vào dè dặt, bản thân các đơn vị này cũng phải lo đảm bảo thanh khoản và hơn hết là do lãi suất vay vốn quá cao.
Giám đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM Hồ Hữu Hạnh xác nhận, từ đầu tháng 12 đến nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm - nghịch lý trong mùa vụ sản xuất kinh doanh cuối năm.
Mặc dù phải tới cuối tháng, NHNN thành phố mới tổng hợp đầy đủ, chính xác các số liệu liên quan, nhưng diễn biến nói trên đã biểu hiện khá rõ qua những thông tin, báo cáo ban đầu của lãnh đạo các ngân hàng. Một trong những nguyên nhân cốt yếu, ông Hạnh cho rằng là do “cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không dám vay và cho vay vì lãi suất quá cao”.
Giảm vị thế tiền rẻ độc quyền
“Một nền kinh tế mà chức năng tín dụng không hoạt động thì sẽ không phát triển được. Khi đó, sự khan hiếm hàng hoá đẩy giá cả hàng hoá tăng ở chu kỳ tiếp theo”, TS tài chính Quách Mạnh Hào, tổng giám đốc công ty chứng khoán Thăng Long nhận định về những tác động tiêu cực có thể xảy ra - mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ quá mức để kiềm chế lạm phát. Do vậy, ông Hào cho rằng nếu chúng ta hướng mục tiêu tới giảm lãi suất, thay vì giảm lạm phát, thì các công cụ và giải pháp chính sách có thể sẽ mở hơn và có nhiều lựa chọn hơn.
Ngoài việc kêu gọi sự đồng thuận của các ngân hàng, một trong những giải pháp để giảm lãi suất, ông Hào đề xuất, là NHNN có thể thực hiện việc mua trái phiếu chính phủ (TPCP) cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng thời phối hợp với bộ Tài chính trong việc tính toán khối lượng trái phiếu phát hành thêm một cách hợp lý.
Ông Hào phân tích, hiện tại chỉ những ngân hàng nắm giữ phần lớn lượng TPCP đang lưu hành mới vay được vốn của NHNN thông qua nghiệp vụ tái chiết khấu trên thị trường mở (OMO) và những đơn vị này đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất TPCP (khoảng 10%) và lãi suất tái chiết khấu (7 - 9%).
Khoản “tiền rẻ độc quyền” này được các ngân hàng dùng chủ yếu để kinh doanh lại trên thị trường liên ngân hàng thay vì cho vay doanh nghiệp, đẩy lãi suất trên thị trường này tăng cao, tạo sức ép buộc các ngân hàng, nhất là những đơn vị vừa và nhỏ phải đua lãi suất huy động. Do vậy, phải giảm vị thế “tiền rẻ độc quyền” của các ngân hàng lớn, hay nói khác là làm giảm hoặc xoá chênh lệch giữa tỷ suất TPCP và lãi suất chiết khấu.
Khi đó, theo ông Hào, các ngân hàng đang nắm giữ TPCP sẽ lựa chọn bán ra thu tiền VND về để cho vay (vì lãi suất TPCP khoảng 10% sẽ thấp hơn lãi suất huy động tiết kiệm hiện khoảng 13 - 15%), giảm sức ép chạy đua lãi suất trên thị trường dân cư.
Mặt khác, việc NHNN mua lại TPCP trên thị trường thứ cấp là cách thức cung tiền dài hạn hơn so với cung tiền trên OMO, do đó các ngân hàng có thể dùng để cấp tín dụng chứ không phải chỉ để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời như hiện nay. Hơn nữa, việc NHNN mua TPCP trên thị trường sơ cấp sẽ góp phần hạ lãi suất TPCP xuống mức hợp lý, giảm gánh nặng trả lãi cho ngân sách nhà nước, gián tiếp giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng.
“Mức lãi suất cho vay tại Việt Nam nên được duy trì trong khoảng 11 – 14%/năm là hợp lý với nền kinh tế Việt Nam – không thể quá rẻ vì sẽ khuyến khích đầu tư kém hiệu quả gây lạm phát, nhưng mặt khác cũng không thể quá cao làm cho doanh nghiệp khó khăn và kinh tế trì trệ”, ông Hào kết luận.
Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước kỳ vọng, đầu năm 2011, để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng mới, các ngân hàng sẽ buộc phải tìm mọi cách hạ lãi suất cho vay mới mong có cơ hội giải ngân.
Theo Thảo Nguyên
Báo Sài Gòn Tiếp thị