1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất các khoản vay cũ đã về dưới 13%/năm

(Dân trí) - Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất của các khoản cho vay cũ đã giảm mạnh từ mức khoảng 65% vào thời điểm trước 15/7/2012 xuống còn 20,6% vào cuối năm 2012 và đến giữa tháng 5/2013 chỉ còn 12,9%%.

Mặt bằng lãi suất đang giảm mạnh (ảnh minh họa).
Mặt bằng lãi suất đang giảm mạnh (ảnh minh họa).

Ngân hàng Nhà nước đã cho biết như vậy trong báo cáo Kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 5 tháng đầu năm 2013. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện giảm khoảng 2 - 4%/năm so với đầu năm và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 -2006 và thấp hơn năm 2007; trong đó, lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh.

Với các mức giảm này, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện phổ biến ở mức 8 - 10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9 - 12%/năm, trong đó đối với khách hàng tốt từ 7 - 8%/năm. Đặc biệt, lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh từ mức khoảng 65% vào thời điểm trước 15/7/2012 xuống còn 20,6% vào cuối năm 2012 và đến giữa tháng 5/2013 chỉ còn 12,9%%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến thời gian, lãi suất tới tiếp tục giảm do các ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã theo dõi sát tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các TCDT thuộc diện tái cơ cấu để có sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định hệ thống. Đến nay thanh khoản của hệ thống TCTD tiếp tục cải thiện tích cực.

Nói về vốn tín dụng tăng thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng còn thấp so với mục tiêu định hướng 12%, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này không còn là nguyên nhân do lãi suất mà cốt lõi là do các nhân tố bên cầu của nền kinh tế. Trong điều kiện cầu trong nước và nước ngoài vẫn ở mức thấp dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn kho vẫn ở mức cao nên dù lãi suất giảm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng không cao.

Đồng thời, một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả phải giải thể hoặc không đủ điều kiện để vay vốn; một số khách hàng (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng các điều kiện vay vốn dẫn đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng bị hạn chế. Mặt khác, sức tiêu thụ thấp, hàng tồn kho ở mức cao đang là vấn đề lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay. Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây cho thấy, hiện có tới 73% doanh nghiệp phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại.

Trước những tồn tại này, trong những tháng tiếp theo của năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cho biét sẽ điều hành điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản của các TCTD, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán theo định hướng đề ra.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất ở mức hợp lý góp phần ổn định thị trường tiền tệ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, đặc biệt tập trung vào việc chỉ đạo và theo dõi việc triển khai cơ chế cho vay nhà ở để hỗ trợ vốn kịp thời cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đảm bảo chính sách được triển khai nhanh chóng trên thực tế…

Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết và ban hành các cơ chế để VAMC sớm đi vào hoạt động đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế.

An Hạ